Điện Hòn Chén – Chốn linh thiêng vùng đất cố đô

Điện Hòn Chén là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Huế. Nơi đây được rất nhiều du khách tìm đến để chiêm ngưỡng di tích thắng cảnh độc đáo và cúng bái, cầu xin bình an. Đây cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian một cách hài hòa, đặc sắc. Ở bài viết hôm nay, cùng Tam Giang Lagoon tìm hiểu hơn về ngôi điện linh thiêng này nhé!

1. Giới thiệu đôi nét về điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc địa phận làng Ngọc Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một di tích tôn giáo, tâm linh thuộc quần thế di tích cố đô Huế. Du khách tìm đến đây không chỉ để khám phá thắng cảnh nổi tiếng mà còn tham gia các hoạt động hành hương để cầu bình an, sức khỏe và tiền tài. Không những thế, ngôi đền này còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn và được xem là di tích đền điện có nhiều giai thoại nhất xứ Huế.

Điện Hòn Chén là biểu tượng tâm linh có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống cúng bái, thờ phụng của người dân xứ Huế. Đây cũng là ngôi điện duy nhất tại cố đô có sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình, giữa mê tín dị đoan và văn hóa tâm linh, giữa đồng bóng và lễ hội.

Ngoài ra khi đến điện Hòn Chén, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nghệ thuật trang trí mỹ thuật đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19 và tham gia vào những lễ hội độc đáo được diễn ra hàng năm.

2. Hướng dẫn đường đi đến điện Hòn Chén

Điện thờ nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về hướng Tây Nam. Để đến được đền thờ bạn có thể di chuyển theo 2 cách. Cách đầu tiên là đi thuyền rồng trên sông Hương. Cách thứ hai là đi bằng đường bộ. Nếu như bạn đi bằng đường bộ thì cần di chuyển theo tuyến đường Bùi Thị Xuân. Tiếp đó, bạn cần rẽ vào đường Huyền Trân Công Chúa và đến bến Than. Sau đó, đi đò sang Điện Hòn Chén.

3. Lịch sử và kiến trúc điện Hòn Chén Huế

3.1 Lịch sử điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén được khởi công xây dựng từ thời vua Gia Long, chủ yếu thờ Đạo Giáo. Dưới thời vua Nguyễn, điện được ghi nhận trong các văn bằng cổ với tên chính thức là “Ngọc Trản Sơn Từ”, tức “điện thờ tại núi Ngọc Trản”. Đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888), điện được đổi tên thành “Huệ Nam” với ý nghĩa “mang lại ân huệ cho người nước Nam”. Ngoài ra điện cũng gắn với nhiều giai thoại ly kỳ khác nữa.

3.2 Kiến trúc bên trong điện Hòn Chén 

Đến điện Hòn Chén, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến khoảng 10 công trình kiến trúc lớn bé khác nhau, tất cả đều được nằm trên lưng chừng dãy núi Ngọc Trản. Mặt các công trình đều hướng ra dòng sông Hương hiền hòa và e ấp sau những rừng cây xanh.

Trong 10 công trình thì nổi bật nhất là điện Minh Kính Đài nằm ngay chính giữa. Bên trái có dinh Ngũ Hành, bàn thờ các quan, am Ngoại Cảnh và động thờ ông Hổ. Bên phải là nhà Quan Cư, chùa Thánh và Trinh Cát Viện. Ngay sát bên dòng sông Hương có am Thủy Phủ.

Minh Kính Đài được chia làm 3 cung theo thứ tự từ cao đến thấp gồm có Đệ Nhất cung (Thượng cung), Đệ Nhị cung và Đệ Tam cung. Trong đó xếp theo lần lượt là khu thờ, khu để đồ cúng và khu dâng hương. Với bề dày lịch sử lớn lao, ngày nay trong điện vẫn còn lưu giữ hơn 600 món đồ tế thuộc 284 chủng loại có giá trị lịch sử vô cùng quý giá.

4. Các trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi du lịch tại điện Hòn Chén

4.1 Tham quan và check – in với các công trình tại điện Hòn Chén

Đến với điện Hòn Chén, chính không gian kiến trúc, văn hóa – lịch sử nơi đây sẽ là địa điểm độc đáo cho du khách tha hồ tham quan chụp ảnh, sống ảo. Tuy nhiên, bởi vì đây là điện thờ, là địa điểm tâm linh vì thế các bạn nên chú trọng đến cách ăn mặc lịch sự, kín đáo nhé.

4.2 Lắng nghe những giai thoại về điện Hòn Chén

Một trong những điểm hấp dẫn của điện Hòn Chén đó là những giai thoại bí ẩn gắn với nơi đây hàng trăm năm qua. Cụ thể có 3 giai thoại được người dân lưu truyền đã lâu như:

  • Giai thoại về nữ thần Ponagar 

Đây vốn là một nữ thần Mẹ xứ sở Ponagar. Tương truyền rằng, nữ thần là con gái của Ngọc Hoàng phái xuống để tạo ra đất mẹ và dạy cho loại người cách trồng trọt, chăn nuôi. Về sau, công chúa Liễu Hạnh được đưa vào điện thờ tự bên trong. Sau đó các vị thần khác cũng song hành, được đưa vào điện thờ.

  • Giai thoại vua Thiệu Trị 

Dân gian kể rằng, ở thời vua Thiệu Trị có xây dựng làng cạnh điện thờ. Khi vua cùng với các cung phi du ngoạn trên sông Hương đến thăm làng thì đã lỡ làm rơi chiếc ống nhỏ bằng vàng nơi vực sâu. Hoàng phi đã cầu khấn Thánh Mẫu Thiên Y Na tìm lại đồ vật. Điều đáng bất ngờ là chiếc ống đã nổi lên mặt nước và hoàng phi lấy về. Phát hiện điều linh thiêng này, nhà vua đã ra lệnh sửa sang lại điện Hòn Chén và cho người dân thờ phụng.

  • Truyền thuyết về chiếc chén ngọc của vua Minh Mạng

Đây là giai thoại được nhiều người biết đến nhất. Dân gian truyền tai nhau rằng, khi xưa vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc trên dòng sông Hương. Sau đó, có con rùa to bằng chiếc chiếu ngậm chén ngọc trả lại cho vị  vua. Vì thế, nhà vua đã đổi tên cho điện thờ này là Điện Hoàn Chén.

4.3 Tham gia lễ hội điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén có rất nhiều lễ hội diễn ra. Đây vốn là tập quán thể hiện tín ngưỡng thờ cúng và đời sống văn hóa – tâm linh của mỗi một người dân đất Huế. Chốn linh thiêng này đặc biệt có sự kết hợp đồng thời giữa tín ngưỡng dân gian và các nghi thức cung đình. Vì thế, hòa mình trong các lễ hội này bạn sẽ có những trải nghiệm văn hóa vô cùng tuyệt vời.

Lễ hội được chia làm 2 phần chính gồm lễ nghinh thần (rước các vị thần về đền) và lễ chánh tế:

  • Lễ nghinh thần được tổ chức long trọng trên dòng sông Hương để rước nữ thần Thiên Y A Na từ điện Hòn Chén về đình làng Hải Cát. Xung quanh thuyền rước được trang trí cờ hoa đủ màu, không khí sôi động chìm trong tiếng hát ngân nga của các cô đồng, phường bát, hát văn.
  • Lễ chánh tế diễn ra ngay sau khi đón rước các vị thần và Thánh mẫu. Nghi lễ này được tổ chức với nhiều hoạt động như: cung nghinh Thánh mẫu, tế làng Hải Cát, phóng sanh, thả đèn hoa đăng… Tất cả đều mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống được du khách rất yêu thích hưởng ứng.

5. Những lưu ý khi tham quan điện Hòn Chén

Vì là địa điểm du lịch tâm linh, nên khi đến tham quan điện Hòn Chén bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Giá vé ghé thăm điện thờ hoàn toàn miễn phí
  • Bạn cần ăn mặc lịch sự khi ghé thăm điện thờ
  • Tuyệt đối không được xả rác bừa bãi trong khuôn viên điện thờ
  • Lễ phật dâng hương nên có sự hướng dẫn của ban quản lý
  • Nói không với việc chuyện trò rôm rả và khuấy động không gian tĩnh mịch ở điện thờ

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan. Nếu bạn là người yêu thích vẻ đẹp và có một chút tin tưởng vào tâm linh thì hãy thử đến điện Hòn Chén vào những dịp lễ hội để có thể tìm hiểu cũng như khám phá ngôi đền kỳ bí này nhé!