Nô nức lễ hội đền Huyền Trân xuân Quý Mão 2023

Lễ hội đền Huyền Trân không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn là nơi để mọi người tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước trong việc mở mang bờ cõi, cầu mong tốt lành đến với mọi người trong năm mới, đồng thời góp phần quảng bá đến với du khách thập phương những hình ảnh, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam.

Lễ hội Đền Huyền Trân năm nay là một hoạt động tiêu biểu của Festival Huế mùa Xuân. Mọi thứ hiện đã được Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn bị sẵn sàng.

Lễ hội đền Huyền Trân năm nay là một hoạt động tiêu biểu của Festival Huế mùa Xuân

Theo Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, cùng với vua cha Trần Nhân Tông, là những danh nhân gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế. Trong tâm thức cộng đồng, bà là một người phụ nữ hiếu nghĩa vẹn toàn, yêu nước thương dân. Vâng lệnh vua cha, và sau đó là anh trai – Hoàng đế Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng là quốc vương Champa, nhằm lập mối hòa hiếu với lân bang và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam vào đầu thế kỷ XIV. Từ món quà cưới của Bà, Đại Việt có thêm “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”, trong đó có vùng đất Huế (Thuận Hóa). Vì vậy, Huyền Trân công chúa đã được nhân dân tôn vinh, dựng đền để thờ phụng, truyền tụng nhiều giai thoại nhằm tri ân và ghi nhớ công lao của bà.

Tri ân và tôn vinh Huyền Trân Công Chúa

Nhân dịp kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế và trong kế hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế nhằm tỏ lòng biết ơn của người dân xứ Huế đối với Huyền Trân công chúa, một vị anh hùng liệt nữ đã có công mở mang bờ cõi đất nước, đầu năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã được khởi công xây dựng ngay dưới chân núi Ngũ Phong (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế) và công trình được khánh thành vào ngày 26 tháng 3 năm 2007.

Một hoạt động nghệ thuật tại Lễ hội đền Huyền Trân

Đền Huyền Trân công chúa có tổng diện tích rộng khoảng 28,5ha. Địa hình thoai thoải kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp với những rừng thông mênh mông càng làm cho phong cảnh thêm hữu tình.

Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát Tràng, có hồ nước và cây cầu nhỏ; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và tiếp đó là đền thờ Huyền Trân công chúa. Phía bên trong đền thờ có thiết trí pho tượng mô phỏng Huyền Trân công chúa ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m, được đúc bởi các nghệ nhân nổi tiếng của phường Đúc. Hậu điện còn thiết trí án thờ Đoàn Nhữ Hài – vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành nhập vào Đại Việt. Phía sau điện thờ là ngôi đình nhỏ, thiết trí bức tượng đứng của bà khi đã xuất gia tu hành, pháp hiệu là Hương Tràng.

Ngoài ra, trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc khác, như tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1,6 tấn và cao 2,16m, tượng Đức Phật Di Lặc…

Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng bổ sung và đã tổ chức đại lễ khánh thành đền thờ Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của ngài (7/12/1258 – 7/12/2008). Đền thờ vua Trần Nhân Tông được xây dựng ở phía sau, trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Huyền Trân; tọa lạc ở lưng chừng núi, sau một khoảng sân rất dài với nhiều bậc cấp, hai bên có đôi rồng chầu được công nhận đạt kỷ lục Việt Nam (mỗi con rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m). Bên trong chính điện của đền thờ đặt tượng đồng vua Trần Nhân Tông cao 3 mét, rộng 1,6 mét.

Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức định kỳ hằng năm vào đầu Xuân

Ngày nay, định kỳ hằng năm, Lễ hội đền Huyền Trân được Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng – ngày giỗ của Huyền Trân công chúa. Điều này thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước trong việc mở mang bờ cõi. Trong khuôn khổ lễ hội bên cạnh các hoạt động mang tính nghi lễ còn nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao như biểu diễn Ca Huế, nghệ thuật bài chòi; các trò chơi dân gian, ảo thuật; biểu võ thuật; triển lãm tranh ảnh; trình diễn thư pháp; trưng bày, trình diễn nghề làm bánh ngũ sắc; trưng bày, trình diễn nghề chằm nón lá; trình diễn áo dài truyền thống… Hằng năm, lễ hội đền Huyền Trân đã thu hút hàng nghìn lượt người là du khách trong nước, quốc tế và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái.

Có thể nói, Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử đã được nhân dân kính ngưỡng; công lao của Huyền Trân công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng đất Thuận Hóa xưa thật là vô lượng, không gì sánh được. Vì vậy từ xưa cho đến nay, mỗi người dân xứ Huế luôn luôn trân trọng và ghi nhớ những tình cảm, công lao to lớn của Huyền Trân công chúa trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Hình ảnh cao đẹp của Bà sẽ mãi mãi in dấu sâu đậm trong tâm thức của người dân Cố đô Huế.

Lễ hội đền Huyền Trân luôn thu hút đông đảo du khách 

Sơ đồ tham quan Trung tâm Văn hóa Huyền Trân

(Theo Visit Hue)