Lăng Gia Long – Khám phá lăng mộ của vị Vua đầu tiên của triều Nguyễn

Lăng Gia Long Huế là nơi an nghỉ của vị vua sáng lập ra triều Nguyễn. Đây cũng là nơi được những người yêu thích lịch sử – văn hóa muốn ghé thăm khi đi du lịch Huế. Lăng Gia Long chính là minh chứng cho tình cảm thủy chung, son sắt của vua dành cho hoàng hậu. Vậy Lăng Gia Long có gì đặc biệt? Cùng Tam Giang Lagoon tìm hiểu qua bài viết này nhé!  

1. Giới thiệu về lăng Gia Long Huế

Lăng mộ vua Gia Long có tên gọi khác là Thiên Thọ Lăng, được xây dựng trong 6 năm (1814-1820) gồm nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến vua Gia Long. Tổng thể lăng nằm trong một vùng núi hoang sơ, sơn thủy hữu tình  ở thôn Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, Thành Phố Huế.

Toàn bộ quần thể lăng gồm 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, trước lăng nổi bật là núi Đại Thiên Thọ nằm án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm.

2. Cách di chuyển đến lăng Gia Long Huế

Trước kia, xung quanh lăng Gia Long bao bọc hoàn toàn là sông nước. Vì vậy, địa danh này bị cô lập hoàn toàn, muốn đến được lăng chỉ có đi đường thủy. Thời điểm đó, Lăng Gia Long dường như bị lãng quên và rất ít du khách tới tham quan.

Hiện nay, cầu phao được xây dựng phục vụ du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng phục vụ người đi bộ và các phương tiện cơ giới như xe đạp, xe máy với mức phí 5.000 đồng/ lượt.

Ngoài đi cầu phao, bạn có thể di chuyển qua đường cầu Hữu Trạch, nối liền khu vực La Khê Bãi và La Khê Trẹm. Bạn cũng cần lưu ý là đường này khá xa, vượt qua cầu phải đi thêm khoảng 10km nữa mới đến lăng.

3. Lịch sử Vua Gia Long và tình yêu bất tử

Vua Gia Long sinh năm 1762 tên là Nguyễn Phúc Ánh là vị vua đã sáng lập ra nhà Nguyễn. Đây cũng chính là triều đại cuối cùng của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông vốn là một vị vua vô cùng mạnh mẽ những rất ít ai biết được ông có một mối tình vô cùng chung thủy với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là một ái nữ của Ngoại tả Chưởng dinh Tống Phước Khuông. Bà vốn là một người xinh đẹp lại nhẹ nhàng, hành xử rất lễ nghĩa. Bà vào cung lúc 18 tuổi trở thành Nguyên Phi và đồng hành phó tá vua qua bao thăng trầm cuộc sống.

Nghĩa tình vợ chồng sắt son của nhà vua và hoàng hậu khiến cho nhiều người cảm động, đặc biệt là những gì mà nhà vua đã làm cho hoàng hậu lúc nàng đã mất. Vào năm 1814 nhà vua đã cho xây dựng lăng mô phỏng nằm bên cạnh lăng của hoàng hậu để khi băng hà ông sẽ nằm bên cạnh nàng.

Lúc sinh thời họ đã cùng nhau trải qua những ngày tháng đồng cam cộng khổ, tình cảm thân thiết nên lúc vợ mất đi ông rất thương tiếc. Ông vẫn muốn được trọn đời, trọn kiếp cùng người vợ của mình nên đã không bước tiếp lần nữa. Đây cũng chính là điều khiến cho lăng Gia Long có một công trình vô cùng độc đáo rất khác biết so với các lăng mộ khác.

4. Khám phá kiến trúc Lăng Gia Long và các điểm tham quan nổi bật

4.1 Khu Bửu Thành

Nằm ở chính giữa trung tâm quần thể là 2 ngôi mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được đặt trên đồi Chính Trung. Hai ngôi mộ nằm cách nhau chỉ một gang tay, có kích thước bằng nhau, không chạm trổ hoa văn, không sơn son thếp vàng mà vô cùng giản dị trường tồn với thời gian.

Điểm đặc biệt của lăng là từ phía sau nơi tiếp giáp phần nóc 2 ngôi mộ, ta sẽ thấy đỉnh Đại Thiên Thọ nằm ở chính giữa, chính xác đến từng mi li mét. Chính điều này đã làm cho lăng Gia Long trở thành quần thể kiến trúc phong thủy độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Bên ngoài song mộ có hệ thống tường thành vô cùng kiên cố tên là Bửu Thành. Bửu thành dẫn lối vào chỗ yên nghỉ của vua và hoàng hậu. Cánh cổng này chỉ mở vào các dịp lễ Tết, ngày giỗ,…để dọn dẹp và sửa sang.

Phía dưới là 7 cấp sân tế lát bằng gạch Bát Tràng, với 2 hàng tượng đá tạc hình quan văn, quan võ, tượng đá voi chiến, ngựa chiến uy nghi.

4.2 Bi Đình – nhà bia ghi công

Bên trái khu lăng mộ là Bi Đình – nhà bia khắc ghi công trạng. Đây là công trình quen thuộc có mặt ở hầu hết các lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn.

Trong Bi Đình là tấm bia “Thánh Đức thần công” vua Minh Mạng dựng lên để ca ngợi vua cha (vị vua đầu tiên triều Nguyễn). Tấm bia được chạm khắc hoa văn tinh tế và trải qua gần 200 năm vẫn còn rõ chữ.

4.3 Điện Minh Thành

Phía bên phải của khu lăng mộ đó chính là tẩm điện và Điện Minh Thành, tất cả đều nằm ở khu vực trung tâm. Đây chính là nơi để thờ cúng, thắp hương lễ bái nhà Vua và Hoàng Hậu. Lúc trước bên trong điện có rất nhiều kỷ vật gắn liền với cuộc sống của vua Gia Long nhưng sau nhiều biến động đã không còn nguyên vẹn nữa.

Ngoài lăng Thiên Thọ ra thì quần thể lăng Gia Long Huế còn có những khu lăng mộ khác của các thành viên nhà Nguyễn như Lăng Quang Hưng, Lăng Trường Phong, Lăng Vĩnh Mậu,…

4.4 Lăng Thiên Thọ Hữu và Điện Gia Hành

Lăng Thiên Thọ Hữu và Điện Gia Thành là nơi đáng chú ý nhất trong quần thể Lăng Gia Long. Lăng Thiên Thọ Hữu là điện thờ của Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu – bà là người vợ thứ 2 của vua Gia Long và là mẹ của vua Minh Mạng. Đây chính là công trình rất thu hút được nhiều du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên rất hài hòa.

5. Những lưu ý khi tham quan lăng Vua Gia Long Huế

Lăng Gia Long Huế chính là nơi thờ tự uy nghiêm chính vì thế bạn lưu ý những điều sau đây:

  • Lựa chọn trang phục lịch sử, nghiêm chỉnh
  • Không gây mất trật tự, xả rác bừa bãi
  • Không sờ vào các hiện vật nếu đã thấy bảng cấm
  • Tôn trọng vẻ đẹp văn hóa dân tộc

Lăng Gia Long là quần thể di tích lịch sử mang đậm dấu ấn hào hùng dân tộc, là nơi chôn cất và điện thờ của vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Nếu có dịp đến thăm cố đô Huế thì bạn tuyệt đối đừng bỏ qua địa điểm này nhé. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!