Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Chămpa trên đất Huế

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn lưu giữ, bảo quản số lượng lớn di tích đền tháp, thành lũy, các tác phẩm điêu khắc, di vật, cổ vật, hiện vật… mang dấu ấn nền văn hóa Chămpa. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống di sản này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị.

Thực tế, có nhiều di tích và phế tích Chămpa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được các nhà nghiên cứu phát hiện. Trong đó, phế tích tháp Chăm Vân Trạch Hòa (huyện Phong Điền), di tích tháp Chăm Mỹ Khánh (huyện Phú Vang), tháp Chăm Linh Thái (huyện Phú Lộc) đã được các cơ quan chức năng tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ và công bố nhiều phát hiện mới. Đáng chú ý, tháp Chăm Mỹ Khánh ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang) vừa được xác lập kỷ lục thế giới dựa trên tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”…

Tháp Chăm Mỹ Khánh chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn.

Bên cạnh đó, còn nhiều di tích và phế tích khác trên địa bàn tỉnh chưa từng được tiến hành khai quật khảo cổ. Ngoài hệ thống di tích, phế tích tháp Chămpa, tại Cố đô Huế còn có dấu tích của 2 thành lũy Chămpa là thành Hóa Châu và Thành Lồi. Sự tồn tại của 2 thành lũy này là cơ sở quan trọng để nghiên cứu xác định các trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự của một giai đoạn lịch sử.

Tại hội thảo khoa học Văn hóa Chămpa trên đất Thừa Thiên – Huế diễn ra đầu tháng 12/2022, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2019, đơn vị từng tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục kiểm kê các công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh với 205 công trình.

Trong danh mục này, có 18 công trình liên quan đến văn hóa Chămpa. Đây chính là cơ sở khoa học quan trọng để nghiên cứu, đánh giá và tiến hành các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên Huế. Đến nay, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập hồ sơ khoa học 3 di tích và đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia gồm: tháp đôi Liễu Cốc; tháp Mỹ Khánh và thành Lồi.

Trong đó, di tích tháp Mỹ Khánh và tháp đôi Liễu Cốc đã được Nhà nước quan tâm, bố trí kinh phí để trùng tu, tôn tạo và phục vụ phát triển du lịch. Ngoài ra, bệ thờ Vân Trạch Hòa và bộ chóp tháp Chămpa Linh Thái đã được công nhận bảo vật quốc gia. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Thừa Thiên-Huế là một trong những địa bàn quan trọng, ghi dấu giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Chămpa. Các dấu tích còn lại cho thấy, niên đại của các di sản văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên-Huế kéo dài từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIV, trong quá trình phát triển, bên cạnh tính liên tục còn có cả những đứt gãy tạm thời do hoàn cảnh lịch sử.

Trong khoảng thời gian tồn tại đó, nghệ thuật điêu khắc Chămpa ở Thừa Thiên Huế đã sản sinh ra nhiều tác phẩm đặc sắc, có giá trị cao, vừa mang những đặc điểm chung của nghệ thuật Chămpa, vừa có những nét riêng mang tính vùng miền. Chính vì vậy, các di sản văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên Huế có giá trị rất lớn trên nhiều góc độ về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Tuy nhiên, hệ thống di sản này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, đánh giá, bảo vệ và phát huy giá trị một cách toàn diện, hiệu quả nhất.

Theo ông Phan Thanh Hải, để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và hiện vật Chămpa ở Thừa Thiên – Huế; đối với các di tích, phế tích Chămpa, cần tiến hành công tác số hoá và bảo quản tốt các tư liệu, hiện vật đã có nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu số, tạo điều kiện cho việc quản lý bền vững di tích và thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đối với các phế tích Chămpa bị đổ nát hoàn toàn thì cần tổ chức khai quật khảo cổ các phế tích để nghiên cứu và thu hồi hiện vật. Đối với các di tích Chămpa ít bị xâm hại hoặc bị xâm hại nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn thì thực hiện trùng tu, bảo tồn và phục nguyên di tích…

Ngoài ra, cần lập hồ sơ khoa học những công trình liên quan đến văn hóa Chămpa để đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Bên cạnh đó, tiến hành tôn tạo và bảo quản tại chỗ đối với các nhóm di tích và di vật Chămpa đã được người dân địa phương chuyển đổi thành những nơi thờ tự và trở thành các đối tượng thờ cúng của cộng đồng. Đây là những chứng tích đặc biệt chứng minh quá trình giao thoa văn hóa và quá trình Việt hóa các di sản văn hóa Chămpa của cư dân Việt trong hành trình Nam tiến của dân tộc.

Những di tích và hiện vật này đã trở thành tài sản tinh thần của cộng đồng, không thể di dời đến những địa điểm khác mà nên tính đến phương án bảo quản nguyên trạng tại chỗ và kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để chính quyền địa phương cũng như cộng đồng hiểu rõ, góp phần bảo vệ hoặc không tác động làm biến dạng các hiện vật này…

Để phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa Chămpa ở Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn và TS Lê Anh Tuấn cho rằng: “Việc định hướng xây dựng một con đường di sản thành cổ Chămpa ở Bắc Trung Bộ sẽ góp phần vào việc phát huy giá trị vốn có của chúng, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho vùng đất, mang lại những hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn di sản”.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất cần khai quật ở những di tích thành cổ, kiếm tìm hiện vật, xây dựng lý lịch hiện vật chi tiết; gắn biển chỉ dẫn di tích, từng bước giới thiệu với du khách như là cách thức từng bước làm sống lại loại hình di tích này…theo Báo Công an nhân dân online