Đầm Chuồn – Nơi in dấu ấn bởi vẻ đẹp hút hồn nơi đầm phá

Nằm trong hệ thống phá Tam Giang lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Đầm Chuồn Huế mang dấu ấn độc đáo với vẻ đẹp bình yên, trữ tình. Dưới đây là một số kinh nghiệm du lịch đầm Chuồn dành cho bạn nếu bạn có kế hoạch du lịch đầm Chuồn trong thời gian sắp tới, nhanh tay lưu lại ngay nhé.

1. Đầm Chuồn nằm ở đâu?

Đầm Chuồn còn được gọi với cái tên khác là đầm Cầu Hai, có diện tích hơn 100ha và là một phần lớn trong hệ thống đầm phá Tam Giang. 

Địa chỉ: Làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 12km.

2. Hướng dẫn cách di chuyển đến đầm Chuồn

Để đến được với Đầm chuồn Huế, du khách có thể đi dọc quốc lộ 49, hướng về phía An Truyền, qua cầu Tư Hiền là đến nơi. Đặc biệt cảnh quan 2 bên đường trên đường đến rất đẹp, du khách có thể chiêm ngưỡng cánh đồng lúa bạt ngàn 2 bên, màu xanh lúa mạ khi đang gieo cấy hay đồng lúa chín vàng ngã rạp dưới ánh nắng hoàng hôn đỏ rực. Cảnh đầm phá dưới ánh chiều hoàng hôn, những con thuyền nhỏ tấp nập 2 bên đầm phá luôn khiến cho du khách bồi hồi ngắm nhìn sự bình yên và nhẹ nhàng của 1 làng chài nhỏ.

3. Đi du lịch đầm Chuồn vào thời điểm nào là đẹp nhất?

Mỗi một khắc trong ngày, Đầm Chuồn đều mang trong mình những vẻ đẹp vô cùng khác biệt.

Vào buổi sáng khi mặt trời đang dần nhô lên, mặt nước Đầm Chuồn như được quết một lớp sơn đỏ rực lan tỏa tới tận cuối chân trời. Trưa đến, dưới cái nắng oi ả, rực rỡ, Đầm Chuồn lại như được khoác thêm một tấm áo màu vàng lấp lánh. 

Vào buổi chiều tối, đầm Chuồn toát lên vẻ đẹp quyến rũ bình dị. Khi hoàng hôn hắt xuống thứ ánh sáng le lói trên mặt nước, từng cơn gió đang ve vuốt qua làn da, hòa quyện vào trong ánh chiều tà cô tịnh, khiến tâm hồn bạn như đang lắng dần lại sau mọi bộn bề, lo toan, của cuộc sống ngoài kia.

Từ tháng 4 đến tháng 7 chính là bầu không khí rộn ràng của mùa thu hoạch hải sản trên đầm. Vì thế đây cũng là thời điểm thưởng thức đặc sản ngon nhất.

4. Những trải nghiệm độc đáo ở Đầm Chuồn

4.1 Ghé thăm làng An Truyền – nghe kể chuyện “loạn chày vôi”

Làng Chuồn (làng An Truyền) là nơi đặt nền móng cho cuộc khởi nghĩa “loạn chày vôi”. Cuộc khởi nghĩa này do Đoàn Hữu Trưng khởi xướng. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Chuồn, vốn thông minh, giỏi chữ nghĩa từ nhỏ.

“Loạn chày vôi” diễn ra vào thời vua Tự Đức, khi mà chế độ phong kiến ngày càng mục nát, cuộc sống người dân lâm vào cảnh lầm than, khốn khổ. Trước tình hình đó, Đoàn Hữu Trưng nổi dậy và mong muốn có thể chỉnh đốn, bảo vệ đất nước trước thực dân Pháp. 

Đến thăm làng Chuồn, bạn sẽ được tận thấy tận mắt, nghe tận tai câu chuyện khởi nghĩa lừng danh một thời ấy đã diễn ra như thế nào. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng cũng thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, thương dân của Đoàn Hữu Trưng và những người dân làng chất phác như thế nào.

4.2 Trải nghiệm ẩm thực độc đáo trên thuyền

Đến với đầm Chuồn, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn độc đáo trên sông nước. Du khách có thể thuê một chiếc thuyền lớn với giá khoảng 100.000 VNĐ/thuyền trong 1 giờ lênh đênh trên đầm. Du khách sẽ được tự chế biến món ăn ngay tại thuyền và tận hưởng món tôm sú nướng thơm lừng, bánh xèo cá kình độc lạ hay bạch tuộc xào ớt cực kỳ hấp dẫn.

4.3 Trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vùng đầm phá

Ngoài ra, khi đến với đầm Chuồn, du khách còn được trải nghiệm làm một ngư dân thực thụ. Sáng sớm thức dậy và đón bình minh trên miền sông nước, tự tay đánh bắt hải sản, sau đó tự tay chế biến những món ăn thơm ngon từ thành quả mà mình tạo ra có lẽ là những khoảnh khắc thật khó quên trong lòng mỗi du khách. 

4.4 Săn những con ảnh với không gian sông nước cực chất

Một chuyến trải nghiệm đầy thú vị không thể bỏ qua việc lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời. Phong cảnh đẹp tựa tranh vẽ trên đầm Chuồn xứ Huế, nhất là thời điểm bình minh ló dạng phản chiếu lung linh trên sông nước sẽ giúp bạn có được background sống ảo cực chất. Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp được tạo ra bởi mặt trời ửng hồng, những con thuyền chở đầy tôm cá, những chiếc vó màu nâu vàng và những ngôi nhà chòi độc lạ.

5. Thưởng thức đặc sản đầm Chuồn

5.1 Hải sản tươi ngon

Thuộc vùng đầm phá nên các loại hải sản ở đây như cá dìa, cá nâu, tôm, ghẹ luôn được đảm bảo tươi ngon và được đánh bắt mỗi ngày. Cảm giác được chọn hải sản còn sống tươi rói, nhảy “lách tách” thì rất vui và thú vị đấy nhé.

5.2 Bánh khoái cá kình

Bánh khoái cá kình là một trong những món ăn đặc trưng của khu vực đầm Chuồn. Thoáng nghe cái tên đã có cảm giác độc đáo. Nguyên liệu làm bánh khoái cá kình: bột mì trộn cùng bột gạo làng An Truyền, giá đỗ, ít rau húng quế và con cá kình tươi ngon ngay tại đầm. Người dân đổ bánh khoái giống như cách đổ bánh xèo nhưng khác ở gia vị và nguyên liệu làm bánh. Ngoài ra còn rất nhiều loại nhân hải sản khác cho bạn lựa chọn.

5.3 Rượu làng Chuồn

Rượu làng Chuồn có từ lâu đời, xưa nay vẫn được xếp vào loại đệ nhất danh tửu của đất thần kinh. 

Rượu được chưng cất từ nguồn nước và gạo của làng, men được đặc chế riêng và được nấu từng mẻ trong các chum đồng cổ truyền thống, cho ra dòng rượu thơm ngon đặc trưng, xứng danh là “Mỹ Tửu” đến từ đất Cố đô. Đến Đầm Chuồn mà không thưởng thức rượu làng Chuồn thì quá là đáng tiếc. Du khách có thể thưởng thức hoặc mua về làm quà.

Nếu có dịp đến Huế đừng quên ghé Đầm Chuồn để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp khung cảnh miền quê sông nước trong lành, trải nghiệm những điều dân dã, bình dị của một vùng nằm trong hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhé.