Phát huy giá trị Áo dài Nhà Nguyễn trong đời sống đương đại

Chiều 22/12, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo Khoa học “Phát huy giá trị Áo dài Nhà Nguyễn trong đời sống đương đại – Xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

Tham gia hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về vị trí, vai trò của chiếc áo dài truyền thống trong đời sống văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam nói chung; đồng thời đề xuất nhiều pháp để bảo vệ, phục hồi, nâng cao giá trị và phổ biến, lan tỏa áo dài truyền thống trong bối cảnh hiện nay; thể chế hóa và xây dựng được các chính sách để bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị áo dài truyền thống và các chính sách, sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, may đo, sản xuất, trình diễn, phân phối áo dài truyền thống; các giải pháp để xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành Kinh đô Áo dài Việt Nam.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong thời Nguyễn, Huế là kinh đô của đất nước, xứng danh là Kinh đô Áo dài của Việt Nam bởi là nơi tập trung các loại hình trang phục áo dài phong phú. Trong đó, trọng tâm là áo ngũ thân, áo nhật bình đã góp phần vô cùng quan trọng để nước ta có một chế độ “Y quan rực rỡ”, biểu tượng cho sự thống nhất về văn hóa của một dân tộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Để đẩy mạnh công cuộc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị di sản áo dài, tỉnh cần nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu về áo dài; tổ chức, quảng bá truyền thông về hình ảnh áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô Áo dài”; xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.

Chú thích ảnh

Nghệ nhân Phạm Văn Tuyền, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong cuộc sống đương đại, các cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản hướng dẫn tiêu chí nhận diện áo dài ngũ thân truyền thống để các nhà thiết kế, nhà may và toàn dân hiểu thêm về dòng sản phẩm đã bị lãng quên một thời này; cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo triển lãm sản phẩm để liên kết nhà sản xuất vải, nhà thiết kế và nhà may để cùng trao đổi và điều chỉnh hợp tác cho sản phẩm đầu ra và đầu vào phù hợp cuộc sống đương đại.

Thừa Thiên – Huế vốn là chiếc nôi sản sinh của áo dài ngũ thân, đồng thời là mảnh đất gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển áo dài Việt Nam suốt hàng trăm năm qua. Vì vậy, áo dài là bản sắc văn hóa vùng đất, nét đẹp của con người xứ Huế. Tháng 8/2021, Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam” được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế chính thức phê duyệt. Qua đó, địa phương hướng đến phục hưng di sản văn hóa truyền thống – áo dài Huế, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu áo dài Huế để trang phục này trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương. Từ đó, phát triển Cố đô Huế thực sự là Kinh đô của Áo dài Việt Nam và Thừa Thiên – Huế, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo TTXVN