Nón bài thơ từ lâu đã trở thành nét đẹp đặc trưng của văn hóa xứ Huế. Với người dân xứ Huế, chiếc nón lá đã gắn liền với cuộc sống qua bao đời, nó không chỉ đơn giản là vật che mưa, che nắng mà đã trở thành biểu tượng riêng gắn liền với hình ảnh dịu dàng, e ấp của người con gái xứ Huế.
1. Đôi nét về nón bài thơ Huế
Được biết, nón bài thơ có nguồn gốc từ làng Tây Hồ, địa phận xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, nghề làm nón đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước.
Nón bài thơ là một lại nón vô cùng đặc biệt, tên gọi của nó bắt nguồn từ chính đặc điểm nổi bật mà nó mang lại. Khi soi lên ánh sáng thì bạn sẽ thấy một bài thơ hay hình ảnh hoa văn được ép trên hai lớp lá một cách khéo léo, tỉ mỉ.
Đặc trưng của sản phẩm này là hình dáng mềm mại, thanh tao. Nón có màu sắc trắng sáng, phối hợp những bức tranh, câu thơ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chỉ xứ Huế mới có. Hiện nay, ở Huế có rất nhiều làng nghề làm nón bài thơ nổi tiếng, điển hình là làng Đồng Di, Tây Hồ, Phủ Cam.
2. Nón bài thơ – niềm tự hào của người dân xứ Huế
Từ lâu nón bài thơ đã trở thành nét đẹp đặc trưng của văn hóa Huế. Không những vậy đây còn là nguồn cảm hứng của các văn nghệ sĩ. Nón lá Huế nổi tiếng với bài thơ:
“Áo trắng hỡi thửa tìm em chẳng thấy
Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”
Có thể nói chiếc nón bài thơ đã trở thành biểu tượng của người con gái xứ Huế. Hình ảnh người con gái dịu dàng, đoan trang với chiếc nón bài thơ trên tay, thướt tha trong tà áo dài đã trở thành vẻ đẹp rất riêng của Huế.
3. Chất liệu làm nón bài thơ
Để làm ra chiếc nón bài thơ vừa đẹp nhất, đòi hỏi sự công phu tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Theo đó chất liệu để làm nên chiếc nón lá Huế là lá của cây Bồ Quy Diệp, được trồng ở huyện A Lưới và Nam Đông, đây là vùng có lượng mưa lớn, độ ẩm cao nên phù hợp với sự phát triển của cây lá nón.
Lá nón được chọn không được quá non hay quá già, tốt nhất là lá đang còn búp và phát triển hết chiều dài, chiều ngang, phải chọn lá chưa chuyển sang màu xanh đậm, các bẹ lá ôm khít với nhau, chưa bung ra và có độ mềm.
Trước khi bước vào công đoạn làm nón, lá sẽ được ủi cẩn thận nhiều lần cho đến khi lá thật phẳng, láng, cân đối và đẹp mắt.
4. Các công đoạn làm nón bài thơ
Một chiếc nón bài thơ mềm mại, thanh mảnh là vậy nhưng là đòi hỏi một quá trình vô cùng công phu và tỉ mỉ. Nón được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, để tạo ra chiếc nón bài thơ đẹp mắt, các nghệ nhận phải thực hiện đúng 15 công đoạn từ sấy lá, xây lá, tạo vành, chằm,…tuy nhiên hôm nay Tam Giang Lagoon sẽ giới thiệu đến bạn 3 công đoạn chính để làm nón:
-
Tạo khung và vành nón
Công việc đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, cẩn thận và khéo tay. Khung của nón lá sẽ bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, chụm lại ở phần đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. Phần vành nón được làm từ thân cây lồ ô, được chia làm 16 vành được ve thật tròn, thật nhẵn, sao cho cân đối và hài hòa nhất.
-
Xử lý lá nón
Lá nón sau khi hái từ rừng về sẽ được chọn lọc và đem đi sấy. Phần lá được chọn làm nón phải có độ khô vừa những vẫn giữ được màu xanh nhẹ. Sau khi được ủi thẳng nhiều lần, người nghệ nhân sẽ tiến hành tạo hoa văn, bài thơ lên diện tích nón.
-
Xây và lợp lá
Những chiếc lá đực đầu tiên sẽ được xếp vào bên trong, tiếp đến là lá hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. Lá cái được xây ở ngoài cùng, lưu ý phải xây lá sao cho thật thanh, thật mỏng. Công đoạn này khá quan trọng đòi hỏi động tác của người nghệ nhân phải nhẹ nhàng khéo léo, kĩ lưỡng, dằn chắc chắn giữ cho mặt lá phẳng không xê dịch.
5. Những địa điểm mua nón bài thơ ở Huế
Khi du lịch ở Huế, bạn có thể đến trực tiếp các làng nghề làm nón nổi tiếng ở Huế như làng Đồng Di, Tây Hồ, Phủ Cam,… để khám phá, trải nghiệm khung cảnh làm nón tại đây cũng như là có thể mua những chiếc nón xinh xắn về làm quà. Ngoài ra, nón lá được bày bán rất nhiều tại các khu chợ cũng như các điểm tham quan ở Huế như chợ Đông Ba, chợ Nón, chùa Thiên Mụ,…
Nhờ kinh nghiệm cũng như đôi bàn tay tài hoa, các nghệ nhân xứ Huế đã tạo chiếc nón bài thơ tượng trưng cho vẻ đẹp của Huế. Nếu có dịp ghé thăm cố đô, bạn đừng quên mua về những chiếc nón xinh xắn để làm quà nhé. Chúc bạn có một chuyến hành trình trải nghiệm thật nhiều niềm vui.