Kinh đô Huế là nơi có nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam vào thế kỷ XIX với cung điện, miếu mạo, lăng tẩm, đài tạ, phủ đệ… lộng lẫy và đa dạng. Nhà Rường cũng chính là một trong những di sản đặc trưng cốt cách Huế, đây là văn hóa gắn liền đời sống cộng đồng với những phong tục tập quán, lễ nghi, gia giáo, gia pháp… đậm chất kinh thành. Ở bài viết hôm nay, hãy cùng Tam Giang Lagoon tìm hiểu sâu vào nét đẹp của di sản này nhé!
1. Đôi nét về nhà Rường Huế
1.1 Nhà Rường Huế là gì ?
“Rường” là một cách nói ngắn của rường cột. Nhà rường là loại nhà có hệ thống kết cấu cột kèo bằng gỗ, được liên kết hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể tháo lắp dễ dàng. Các hàng cột phân định số gian trong nhà. Hai cháo ở đầu nhà là được phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn. Đặc biệt nhà rường còn có tính nghệ thuật cao, tạo hình bằng chạm khắc, khảm trên các đầu kèo, xà, đòn tay và các vách ngăn.
Nhà rường Huế thường được quy hoạch trong không gian thoáng đãng, rộng rãi, gắn với môi trường tự nhiên và theo luật phong thủy gồm: cổng ngõ, tường rào, bình phong, bể cạn, sân, nhà chính, hòn non bộ, nhà phụ, vườn cây…
1.2 Nhà Rường Huế có từ bao giờ
Theo lịch sử ghi chép, dưới thời vua Minh Mạng thứ 3 năm 1822, ông ban hành đạo luật rằng những ngôi nhà xây bên ngoài Đại Nội là kiểu nhà Rường Huế 1 gian 2 chái và không được vượt quá 3 gian 2 chái. Do đó, những ngôi nhà rường Huế lúc bấy giờ có diện tích rất nhỏ.
Sau này, khi đạo luật được xóa bỏ và thay bằng quy định không được xây nhà cao hơn cung điện, nhà rường huế 3 gian 2 chái dần dần được xây dựng quy mô hơn với độ dốc mái lớn và độ cao thấp.
2. Những đặc điểm cơ bản của nhà Rường Huế
2.1 Kiến trúc của nhà Rường Huế
Gọi là rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, mè với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc chữ Công. Gian trong nhà rường được tính bằng các hàng cột trong nhà, không có vách ngăn.
Một mẫu thiết kế nhà rường ba gian hai chai ở Huế trung bình có 56 cột. Cột đều được kê trên đá tảng để tránh ẩm mốc. Với số cột lớn như vậy nên số lượng kèo, xà và đòn tay cần phải chạm khắc hết sức rất nhiều. Ngoài ra, còn có hệ thống cửa lớn bao che 3 mặt tiền ngôi nhà cũng được chạm khảm. Tùy theo ý thích của gia chủ mà trên các hàng cột người ta chạm cách điệu hoa văn: tứ quý, bát cửu, hoa lá, chữ ho…với mong muốn sống lâu, thịnh vượng…
Mái nhà rường được lợp bằng ngói liệt với hai lớp dày chồng lên nhau. Do vậy, mùa hè rất mát, mùa Đông thì ấm áp.
Vì tránh mưa bão nên ở Huế thường thiết kế nhà rường không cao, cũng là để không vượt quá chiều cao của Hiểu Lâm Các – cấu trúc cao nhất trong Đại Nội. Do mái nhà có độ dốc lớn để nước mưa thoát được nhanh nên nhà rường có diện tích nhỏ. Nếu nhà đông người, gia chủ phải xây thêm các nhà phụ, nhà ngang. Để bù đắp cho sự khiêm tốn về kích thước nhà, người Huế cho chạm khảm các kèo, xà và vách ngăn. Mỗi đòn, kèo của nhà rường Huế là một bức họa nối, với đủ loại đề tài, hoa văn, tùy theo khiếu thẩm mỹ và chí hướng của nhân.
Hệ mái của nhà Rường Huế thường có độ dốc lớn để phù hợp với vùng đất có lượng mưa cực đoan. Nhà rường thường gồm 4 mái, lợp bằng ngói liệt hay ngói âm dương, lợp tranh. Dù lợp ngói hay lợp tranh thì mái cũng được lợp rất dày để tăng tác dụng cố định bộ khung xuống nền nhà và để cách nhiệt.
Vườn xung quanh nhà rường cũng được thiết kế rất công phu, phức tạp. Ví dụ như tại đây không trồng cây tùng, bách vì đây là các loại cây chỉ trồng ở các lăng, tẩm. Nhà rường thường bố trí Đông trồng Đào, Tây trồng liễu, trước Cau, sau Chuối…
2.3 Kết cấu của nhà Rường Huế
Kết cấu nhà Rường Huế quan trọng nhất là bộ giàn trò và bộ khung gỗ – sườn chống đỡ cho toàn bộ ngôi nhà. Tổ hợp cột – kèo – xuyên – trến – xà – đòn tay có kết cấu chặt chẽ tạo nên bộ khung vững chắc. Bộ giàn trò được đặt trên những tảng đá vuông thể hiện tính giá trị của công trình.
Phần nền của nhà rường thường được lát bằng đất sạch trộn với vôi và tro để chống mối mọt. Hỗn hợp này được đắp thành nhiều lớp tạo độ cứng, chắc chắn và không bị nứt. Ngoài ra, người ta còn sử dụng kỹ thuật khoan nhồi cọc để tạo độ cứng cho nền nhà ở những nơi đất mềm.
Đây là kỹ thuật khá phổ biến trong các kiến trúc cung đình thời nhà Nguyễn. Vào triều đại này, người nhà giàu sử dụng vỉa bằng đá thanh, đá cẩm thạch để làm nền nhà, còn người thường sẽ dùng đá núi hoặc đá tổ ong. Những yếu tố chất liệu có quyết định lớn đến việc nhà rường giá bao nhiêu.
2.4 Công năng của nhà Rường Huế
Thiết kế nhà Rường Huế thường có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 gian phụ (thường gọi là chai), cá biệt cũng có nhà đến 7 gian (5 gian 2 chái). Giữa nhà có hàng cột cái (cột chính) cao to, với các tên gọi khác nhau: hai cột trong phía Đông gọi là “nhứt đông hậu”, hai cột trong phía Tây gọi là “nhứt tây hậu”, hai cột ngoài phía Đông gọi là “nhứt đông tiền”, hai cột ngoài phía Tây gọi là “nhứt tây tiền”. Các cột cái liên kết với kèo để đỡ khung nhà và mái.
Những cột quân, cột cái sẽ chia nhà thành ba gian rõ ràng. Gian giữa của nhà có diện tích rộng nhất dùng để tiếp khách, thờ cúng tổ tiên và dành cho đàn ông nghỉ ngơi. Hai gian bên có diện tích nhỏ hơn dành cho phụ nữ và trẻ con. Cách bố trí này thể hiện quan niệm trọng nam khinh nữ và đàn ông là trụ cột gia đình của người xưa.
3. Quy trình xây dựng nhà Rường Huế
3.1 Xem phong thủy trước khi xây
Khi làm nhà, gia chủ xem phong thủy lựa chọn khu đất tốt, phù hợp với tuổi của chủ nhân để có được “thế nhà” tốt, thuận lợi cho việc sinh hoạt của gia chủ. Hướng thường thấy ở các ngôi nhà rường là hướng Nam, nắng xiên vách. Bếp được dựng ở bên trái và vuông góc với nhà chính. Ngôi nhà được dựng trong không gian có vườn cây tría, hoặc có hàng cau trước sân, có cổng lớn và có lối đi dẫn từ cổng vào nhà, nhưng muốn vào nhà, khách phải đi rẽ sang hai bên lối dẫn vào chứ không đi thẳng trực tiếp vào.
Về mặt không gian, thiết kế nhà rường được tạo nên theo các nguyên tắc và triết lí phương Đông truyền thống. Triết lý ấy giải thích rằng vạn vật vốn sinh ra từ cái đơn thuần nhất (Thái Cực) nhưng cái đơn nhất ấy lại bao hàm hai nửa đối lợp luôn tương tác với nhau (Lưỡng Nghi). Từ đó mới tỏa ra bốn phương, tám hướng (Tứ Tượng, Bát Quái) để sinh thành muôn loài. Chính vì thế mà để dựng một ngôi nhà rường, việc đầu tiên là phải xác định được điểm trung tâm (người Huế gọi là điểm Giáp Chuông ). Đây là điểm giao nhai giữa hai đường tim nhà (theo trục Bắc – Nam và trục Đông – Tây). Từ điểm này người ta mới tính ra các phía Tiền (phía trước, được xem là phía Nam), Hậu (phía sau, phía Bắc), Tả (bên trái, phía Đông) và Hữu (bên phải, phía Tây). Các cấu kiện thuộc bộ giàn trò, gồm cả cột kèo, xuyên, trến, xà…đều được định vị theo nguyên tắc này.
3.2 Quy trình chuẩn bị trước khi thiết kế nhà Rường
Khâu đầu tiên là chuẩn bị vật tư như một cách tính toán chi phí làm nhà rường Huế. Hầu như toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà được làm từ gỗ mít – loại gỗ quý có màu vàng, vân đẹp. Nhà rường Huế gỗ mít đảm bảo có độ chắc chắn, ít cong vênh, nứt nẻ và tuổi thọ cao.
Tiếp đến là phần chuẩn bị rường tre. Gia chủ phải chọn mua những cây tre thẳng trồng trên đất tốt từ lâu năm. Những cây tre đủ tiêu chuẩn phải già, cứng để tránh mọt và được đốn vào đầu xuân.
Thợ chế tác sẽ xử lý một vài bước cơ bản rồi ngâm tre trong 100 ngày và vớt lên phơi khô. Sau đó, thợ phân loại tre theo mục đích sử dụng và bảo quản kỹ càng, đảm bảo không bị mưa nắng.
Khâu cuối cùng là chuẩn bị dây mây để làm lạt buộc rơm và cỏ tranh. Mây đủ tiêu chuẩn phải lựa từ những cây mây Song và mây Mã. Cỏ tranh lợp phải là loại tốt, già, được cắt và phơi nắng kỹ càng. Phần rơm sau khi thu hoạch cũng cần phơi kỹ, bảo quản riêng đúng tiêu chuẩn. Chính vì độ cầu kỳ trong khâu chuẩn bị vật liệu nên giá nhà rường Huế khá cao.
3.3 Quy trình thi công nhà Rường Huế
Thợ mộc sẽ tập hợp các vật liệu để ráp thành khung nhà sau khi thợ chạm đã hoàn tất phần điêu khắc. Trên nền nhà Rường Huế đã chuẩn bị sẵn tảng đá chân cột, thợ sẽ dựng toàn bộ 24 cột nhà trên đó. Cột được nối với nhau bằng mộng, khóa với nhau bằng nêm, chốt bằng gỗ hoặc tre và hoàn toàn không sử dụng kim loại.
Ở khu vực cách mặt nền khoảng 5cm, người ta dựng 14 cột hàng ba liên kết với nhau bằng hệ thống đà gỗ. Ở khu vực mặt tiền, bộ cửa bảng khoa được chia ra với năm lá ở gian chính, hai lá ở mỗi bên chái. Các lá có chốt khóa bằng gỗ từ bên trong vừa chắc chắn, vừa dễ sử dụng lại có thể tháo lắp dễ dàng.
Tiếp đến, thợ làm tre sẽ bắt đầu lợp mái thứ nhất. Các đòn tay, rui được buộc bằng dây mây, cố định bằng chốt đinh tre đúng kỹ thuật từ bao đời. Sau bước này, lồ ô được dập thành mặt phẳng rồi lát lên rui dọc hướng các đòn tay với phần vỏ hướng xuống dưới, phần ruột hướng lên trên.
Sau công đoạn này là đến việc lợp đất lên trần nhà rường Huế. Gia chủ cần tìm loại đất dẻo, đất thuần thịt được lấy ở độ sâu hơn 1m và đảm bảo không còn tạp chất. Thợ sẽ trộn rơm với đất, nước đến khi dẻo và đều rồi đắp lên trần nhà theo thứ tự từ thấp lên cao và dần lên nóc theo từng lớp liên tiếp nhau với độ dày khoảng 8cm, đồng thời lèn chặt và vuốt kỹ. Người thợ cần làm nhanh và đều tay để toàn bộ khối trần bằng đất liên kết đồng bộ và tránh bị nứt.
Về phần vách tường, người thợ xây nhà rường Huế sẽ dùng các hỗn hợp vật liệu từ rơm, tre và đất được nhào nặn bằng chân cho đến khi thật dẻo rồi bôi lên phần khung. Khi xây vách tường, người thợ bên ngoài và bên trong cần phối hợp nhịp nhàng với nhau, động tác dứt khoát để tường có sự liên kết tốt, bề mặt nhẵn mịn và có tính thẩm mỹ cao.
Bề mặt tường sau đó sẽ được lèn lại kỹ càng, cán láng rồi bôi vữa vôi bên ngoài. Cuối cùng là công đoạn quét nước vôi pha màu cho mặt tường. Nhìn chung, mọi công đoạn xây dựng nhà rường Huế đều đòi hỏi sự tinh xảo, kỹ lưỡng của những người thợ tài hoa để bức tường trông giống như được xây bằng gạch.
4. Một số nhà Rường tại Huế
4.1 Nhà Rường An Hiên
Nhà vườn An Hiên là một trong những công trình tiêu biểu, mẫu mực và đặc sắc nhất cho kiến trúc nhà rường Huế. Nhà vườn An Hiên được thiết kế theo kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái. Bao bọc ngôi nhà là khuôn viên rợp bóng cây xanh mát diện tích 4.608m2 được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của người Huế. Du khách ghé nơi đây có thể cảm nhận được không khí thanh tịnh và cổ kính.
- Địa chỉ: số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, bên bờ sông Hương, cách chùa Thiên Mụ khoảng 500m.
4.2 Cafe Vỹ Dạ Xưa – Cafe nhà Rường Huế
Vỹ Dạ xưa cafe thu hút khách bởi vẻ đẹp cổ kính, chứa đựng nét tinh hoa kiến trúc cung đình xưa của Huế. Du khách sẽ cảm nhận được một không gian đậm chất cố đô từ thiết kế quán theo kiểu nhà rường, trang trí bằng những chiếc cầu nhỏ bắc ngang lạch nước, quang gánh, tranh thư pháp, đèn lồng. Đây là quán cà phê thích hợp cho những tâm hồn muốn tìm kiếm sự yên bình, thanh tịnh.
- Địa chỉ: 129 Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế
4.3 Cafe Nam Giao Hoài Cổ – Cafe nhà rường Huế
Tiếp tục là một quán cafe nhà rường Huế đưa du khách vào miền hoài niệm về xứ Huế một thời. Cafe Nam Giao Hoài Cổ mang đậm kiến trúc nhà rường Huế, tựa như khu vườn thượng uyển đầy thơ mộng. Không gian được trang trí bằng cây xanh, hòn non bộ với tiếng nước chảy róc rách. Du khách ghé quán có thể vừa nhâm nhi tách cà phê nóng hổi, vừa hòa mình vào không gian gần gũi với thiên nhiên.
- Địa chỉ: 321 Điện Biên Phủ, TP. Huế
Nhà Rường mặc dù không chỉ xây dựng ở riêng đất cố đô, song vẫn được coi là một di sản đặc trưng của xứ Huế. Sự phát triển của kinh tế – xã hội dần dần khiến cho kiến trúc nhà Rường bị mai một đi và không còn phổ biến. Tuy nhiên khi du lịch đang được đầu tư phát triển thì việc phục hồi các di sản được chú trọng hơn, mạnh mẽ hơn. Vậy nên, nếu có dịp ghé đến xứ Huế mộng mơ, bạn nhất định phải ghé thăm những ngôi nhà Rường và cảm nhận vẻ đẹp thanh bình nơi đây nhé!
(Tổng hợp)