Chùa Tây Thiên ở phía Tây Nam núi Ngự Bình, Đông Nam đàn Nam Giao, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Đầu tiên chùa là ngôi thảo am, sau đó được khởi dựng năm 1902, do nhà sư Tâm Tịnh, lúc bấy giờ là Chủ trì chùa Từ Hiếu, xin thôi làm chủ trì chùa để về đây lập am tĩnh tu, lấy tên là Thiếu Lâm Trượng Thất. Năm 1904, chùa chính thức thành lập, mang tên Thiếu Lâm Tự. Năm 1911, chùa được mở rộng, đúc tượng Di Đà, làm thêm tăng xá, đổi tên là Tây Thiên Phật Cung. Năm 1926, chùa được đại trùng tu, lấy tên là Tây Thiên Phật Cung Tịnh Xá, hay còn được gọi là Tây Thiên Di Đà Tự. Năm 1933, chùa được vua Bảo Đại ban biển “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự”.
Để đến Chùa Tổ Tây Thiên, bạn có thể đi theo một con đường nhỏ mé trước, bên trái Đàn Nam Giao. Hoặc có thể theo đường Minh Mạng, đến đầu dốc cầu Lim thì rẽ vào con hẻm bên trái theo bảng chỉ dẫn. Gọi là Chùa Tổ, nhưng Tây Thiên không thuộc dạng “chùa to phật lớn” mà chỉ là một ngôi cổ tự khiêm cung, hòa mình với thiên nhiên cây cỏ như đặc trưng của nhiều danh lam cổ tự xứ Huế. Tuổi của chùa chỉ mới 120 năm, nhưng nơi đây lại in đậm dấu ấn của nhiều sự kiện, nhiều danh tăng kiệt xuất đã có công chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Khuôn viên chùa rộng khoảng 30.000m2, chung quanh là đồi núi, rừng cây xanh ngát. Cổng tam quan ở rất cao, bên phải đường từ cổng vào là ba ngôi tháp mộ (tháp sư Tâm Tịnh, tháp sư Giác Nguyễn và một tháp còn để trống), vườn chùa có nhiều cây lưu niên, nổi bật là cây thị cổ thụ. Các công trình kiến trúc bố trí theo hình chữ khẩu truyền thống: Tiền đường và Đại Hùng bảo điện ở giữa, bên trái là ngôi am nhỏ và nhà tăng, bên phải là nhà khách, nhà bếp, tòa phương trượng đằng sau được làm từ năm 1902. Khung cảnh kiến trúc và cảnh quan chùa thoáng đãng, hài hòa với thiên nhiên.
Chùa tổ Tây Thiên cách trung tâm thành phố không xa, nếu có dịp bạn hãy tìm về chốn bình yên nơi đây nhé.