Cầu vòm Đồn Cả nằm khiêm tốn dưới chân đèo Hải Vân, được ôm trọn bởi sắc xanh của núi rừng hoang sơ. Nơi đây được ví như “cổng thiên đường” mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Cây cầu in dấu ấn thời gian được bao bọc bởi thiên nhiên kỳ vĩ, nét đẹp hiếm có, làm xao xuyến bất kỳ ai từng đặt chân đến. Ở bài viết hôm nay, cùng Tam Giang Lagoon tìm hiểu hơn về về vẻ đẹp tuyệt mỹ của địa điểm này nhé!
1. Giới thiệu đôi nét về cầu vòm Đồn Cả
1.1 Cầu vòm Đồn Cả nằm ở đâu?
Cầu vòm Đồn Cả nằm trên cung đường sắt Hải Vân, là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Huế. Không hề ồn ào tấp nập người qua lại, cây cầu cổ kính trải qua hơn 1 thế kỷ được ôm trọn bởi sắc xanh của núi rừng khiến không gian trở nên càng bình yên, tĩnh lặng. Mặc dù nằm cạnh khu di tích Đồn Cả và ga Bắc Hải Vân, nhưng nơi này lại ít được biết đến bởi đường đi khó khăn và vị trí khó tìm.
1.2 Lịch sử cầu Vòm Đồn Cả
Cầu vòm Đồn Cả là tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam nói Mỹ Tho – Sài Gòn dài 70km do người Pháp khởi công. Năm 1902 – 1906 cầu được xây dựng nhằm nối liền tuyến đường sắt bắc qua đèo Hải Vân dài 28km với 6 hầm và 18 cây cầu bắc qua con suối. Cầu Vòm dài khoảng 100m và hiện vẫn đang được sử dụng để nối liền tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Tính đến nay, Đồn Cả đã có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng cùng thời điểm với tuyến đường sắt Đà Nẵng – Huế. Cây cầu được thiết kế theo dạng cổng mái vòm, gác trên các trụ bằng đá, bắc ngang qua các khe suối có độ cao 20m với chiều dài khoảng 100m.
2. Hướng dẫn di chuyển đến cầu vòm Đồn Cả
Có 2 cách di chuyển từ Huế và Đà Nẵng đến cầu vòm Đồn Cả cho bạn tham khảo:
- Nếu bạn ở khu vực trở ra Nam: Sau khi đã đến Huế, bạn có thể thuê xe máy ở Huế để bắt đầu chuyến hành trình đi về hướng lên đèo Hải Vân → gặp trạm kiểm lâm thì di chuyển vào đường bê tông nhỏ → đi thêm 1km tới đường ray xe lửa tại ga Hải Vân Bắc → đi tiếp 500m tới đường mòn xuống suối → đi thêm khoảng 1k nữa tới cầu Vòm Đồn Cả..
- Nếu bạn ở khu vực Đà Nẵng trở vào Bắc: Từ Đà Nẵng, bạn di chuyển theo hướng lên đỉnh Hải Vân Quan rồi đổ đèo về vịnh Lăng Cô. Sau khi qua khỏi hầm chừng 100m bạn nhìn phía tay phải có một con đường nhỏ bằng bê tông hơi dốc, bạn rẽ vào đó đi khoảng 2km nữa sẽ đến chỗ đường sắt ga Bắc Hải Vân.
Tuy nhiên ở đây không có biển chỉ dẫn nên ngoài việc tra bản đồ thì bạn cũng nên hỏi đường người dân địa phương để không bị lạc nhé.
3. Đến cầu vòm Đồn cả có gì hấp dẫn?
Đèo Hải Vân nổi tiếng với những khúc cua cực “gắt” một bên là núi cao, một bên là vực sâu và biển rộng mênh mông, bởi vậy nhiều du khách không ngại khó, không ngại vất vả muốn một lần chinh phục cảnh sắc nơi đây. Cầu vòm Đồn Cả hiện ra tựa như cánh cổng thiên đường, đẹp, hoang sơ, bình yên và có chút cảm giác vô thực.
3.1 Check-in với background cực xịn
Cầu vòm là một đoạn trên tuyến đường sắt đèo Hải Vân, vì vậy, cứ trung bình khoảng 30 phút sẽ có một chuyến tàu, xe lửa qua đèo Hải Vân. Khi nghe âm thanh tàu vọng từ xa, bạn hãy chuẩn bị máy ảnh, tư thế chụp để lưu lại những bức hình thật xịn sò. Với những tín đồ xê dịch thì đây là một địa điểm phượt Huế thú vị, vừa thoải mái, thư giãn, vừa “bỏ túi” nhiều bức ảnh “sống ảo” để đời.
3.2 Cắm trại và tắm suối tại cầu Vòm Đồn Cả
Một trải nghiệm khác được nhiều bạn trẻ yêu thích tại cầu vòm Đồn Cả là cắm trại qua đêm. Buổi chiều tận hưởng khung cảnh thanh bình với hoạt động câu cá, kiếm củi. Khi màn đêm cầu Vòm Đồn Cả buông xuống du khách có thể đốt lửa trại, nướng cá và thưởng thức những món đồ nướng thơm ngon được chuẩn bị từ trước. Bạn sẽ có những trải nghiệm và cảm nhận như đang cố gắng để tự sinh tồn trong điều kiện tự nhiên.
Một số lưu ý để đảm bảo an toàn:
- Nên chọn những phiến đá phẳng, lớn và ở vị trí cao để đặt trại, nên chuẩn bị thêm túi ngủ giữ ấm vì buổi đêm trong rừng khá lạnh.
- Nên chuẩn bị hoặc gom củi khô từ sớm, chuẩn bị dụng cụ chiếu sáng, đánh lửa và mồi lửa.
- Chuẩn bị đồ ăn nhẹ và 2L nước sạch cho chuyến đi của du khách cùng một chút đồ dùng cá nhân. Một bộ đồ sạch để trải nghiệm hoạt động tắm suối tại cầu Vòm Đồn Cả.
- Nếu có đủ điều kiện du khách có thể mang theo đàn ghi ta hay loa bluetooth cho chuyến đi thêm phần thú vị.
Ngoài ra, dưới chân cầu vòm Đồn Cả là một con suối tự nhiên, nước trong veo chẳng kém gì con Suối Tiên nổi tiếng, bạn có thể xuống ngâm mình và tắm suối tại đây nhé.
3.3 Chìm đắm trong thiên nhiên thơ mộng
Cầu vòm Đồn Cả nằm trên cung đèo Hải Vân, con đèo này là nơi phân tách giữa vùng khí hậu nhiệt đới miền Nam và vùng khí hậu ôn đới miền Bắc. Chính nhờ thế mà khi bạn đến đèo Hải Vân, bạn sẽ chiêm ngưỡng được những khung cảnh thiên nhiên ấn tượng chạy dọc suốt cung đường.
Đặc biệt phải nhắc đến cầu Đồn Cả, chắc rằng bạn sẽ sững sờ trước cảnh đẹp như một thước phim khi đến nơi đây. Xung quanh cây cầu là rừng rậm xanh mướt, không khí trong lành cùng tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim véo von tạo nên một bản giao hưởng thiên nhiên đầy màu sắc.
Phía dưới chân cầu có một con suối nhỏ với nhiều tảng đá lớn, là background độc đáo cho bạn lưu lại những tấm ảnh đẹp bên khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, núi rừng kỳ vĩ.
4. Lưu ý khi du lịch tại cầu vòm Đồn Cả
Theo kinh nghiệm phượt Huế, để có được chuyến đi an toàn tại cầu Đồn Cả, bạn cần lưu ý một số thông tin dưới đây:
- Cung đường di chuyển lên đèo Hải Vân khá nguy hiểm, rất dốc và quanh co, vì vậy bạn cần kiểm tra xe thật kỹ, vững vàng tay lái, di chuyển chậm, đồng thời chú ý quan sát.
- Khi di chuyển xuống chân cầu, cung đường nhỏ và nhiều sỏi, bạn nên hạn chế mang theo nhiều hành lý để đảm bảo thuận tiện nhất trong quá trình di chuyển.
- Nếu tổ chức ăn uống, mang theo đồ ăn, bạn cần chú ý cảnh quan thiên nhiên, không vứt rác bừa bãi.
- Trang phục tối ưu cho chuyến đi của bạn là những bộ đồ thể thao khỏe khoắn hay chất liệu jean bụi bặm. Đường đi cầu Vòm Đồn Cả khá khó đi lại có một đoạn đường đá gồ ghề do đó nên ưu tiên chọn giày thể thao đế êm khả năng chống trơn trượt tốt.
Cầu vòm Đồn Cả với nét hoang sơ, thanh bình khiến chúng ta cảm nhận được một Huế và Đà Nẵng thật khác, không quá trầm mặc cũng chẳng quá ồn ào nhưng lại làm người ta vương vấn mãi không thôi.