Mỗi độ Xuân về, khắp phố phường lại tràn ngập hương thơm của vô số loại bánh mứt như bánh in, bánh thuẫn, mứt gừng, mứt quật,…Nhưng trong vô vàn các loại bánh mứt, người ta vẫn không quên được món bánh phục linh nhỏ xinh và kiêu sa.
Không biết bánh phục linh có từ bao giờ, cũng không biết vì sao nó có tên gọi phục linh, từ xa xưa nó đã hiện diện trên mâm cỗ vàng son chốn cung đình, trong các gia đình quý tộc. Mỗi khi gia đình có kỵ giỗ hay lễ tết, bánh phục linh cùng nhiều loại bánh khác được làm để dâng cúng tổ tiên.
Bánh phục linh được làm từ củ huỳnh tinh (còn gọi là củ bình tinh). Ngày xưa, trong vườn mỗi nhà đều trồng cả huỳnh tinh ta và huỳnh tinh tây. Mỗi khi tết đến, người ta lại ra vườn đào củ, mài lọc lấy bột làm bánh. “Bột huỳnh tinh mát và lành, có tác dụng giải nhiệt nên ngày xưa thường được trồng trong vườn nhà. Bột từ củ huỳnh tinh ta làm bánh ngon hơn nhưng do củ nhỏ, năng suất thấp nên ít người trồng. Bây giờ, các gia đình không tự làm bột như ngày xưa nên cần đặt mua ở địa chỉ tin cậy. Bột huỳnh tinh dễ phân biệt với các loại bột khác bởi nó rất mịn, cầm lên tay có cảm giác bóng, đẩy” lời một nghệ nhân giới thiệu.
Mỗi khâu làm bánh phục linh đều thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Huế, nhất là quy trình làm bột quyết định độ ngon của bánh. Với 1 kg bột, nghệ nhân chuẩn bị 800gr đường. Bột được rang hoặc hấp khô, chú ý tránh làm bột bị ướt. Để bánh dậy hương thơm, nghệ nhân cắt lá dứa lót rang bột, cũng là cách để thử độ chín vừa phải. Bột huỳnh tinh được rải trên lá dứa, rang đến khi lá dứa giòn là bột chín. Khi rang bột phải khéo, lửa vừa, rang đều tay, không được vội, bột phải luôn nằm trên lá để giữ hương thơm và màu trắng tinh khiết.
Chỉ khâu làm dịu bột cũng là sự tỉ mẩn của người xưa. Bột huỳnh tinh sau khi rang chín được lọc qua rây lấy bột mịn rồi rải trên lá chuối tươi, đem sải sương đất để làm dịu bột. Nếu phơi sương trời phải canh chừng thật kỹ, không để sương nặng hạt làm ướt bột.
Trong lúc chờ bột dịu, người ta bắt tay vào sên đường. Đường nguyên hạt, thêm ít nước, rồi sên đường tan thật mịn, khô rồi chà với bột. Khâu cuối cùng là in bánh bằng khuôn, sấy nhẹ cho bánh khô ráo rồi gói bằng miếng giấy gương trong vắt để tôn màu trắng tinh, đường nét của bánh. Bột làm bánh phục linh ít kết dính với đường như bột bánh in nên phải in thật nhẹ tay để bánh không bị hỏng. Cũng nhờ ít kết dính nên khi ăn, bánh tan mịn trong miệng.
Ăn bánh phục linh cũng phải biết cách mới thưởng thức hết vị ngon độc đáo của bánh. Cầm chiếc bánh trắng tinh đưa vào miệng, cắn miếng nhỏ rồi ngậm lại. Bột bánh tan dần trong vòm miệng, thơm mát mùi củ huỳnh tinh hòa quyện cùng hương thơm lá dứa, nhấp thêm ngụm trà thanh là thấy tết đang về!!!