Nếu có dịp đến Huế thì chắc có lẽ bạn sẽ ít nhiều nghe qua cái tên Gia Hội. Giống như bao nhiêu di tích khác, cứ theo dòng lịch sử Gia Hội cũng được sinh ra, phát triển rực rỡ rồi sau đó chìm vào quên lãng. Bây giờ khi có dịp ghé thăm Gia Hội, bạn vẫn sẽ cảm nhận được đâu đó cái không khí, cái linh hồn của khu phố thị từng sầm uất một thời. Hôm nay, Tam Giang Lagoon sẽ đưa bạn ghé thăm phố cổ Gia Hội để cùng nhau hoài niệm và ngồi nghe những câu chuyện về văn hóa, lịch sử nhé.
1. Phố cổ Gia Hội trong dòng chảy lịch sử:
Phố cổ Gia Hội được khởi sinh từ những ngày mà chúa Nguyễn di phủ khai khẩn đất vào Đàng Trong và chọn Phú Xuân làm thủ phủ. Cho đến đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long lên ngôi và xây dựng kinh đô Phú Xuân, phố Gia Hội đóng vai trò quan trọng của một phố thị cận Kinh thành, từ đó phát triển rực rỡ.
Vào thời gian này, phố cổ Gia Hội chính là nơi có hoạt động buôn bấn, giao thương sầm uất bậc nhất. Tại đây, có rất nhiều người gốc Hoa đến sinh sống và lập nghiệp và phát triển con đường buôn bán rất thịnh vượng.
Tìm lại một chút Huế xưa giữa lòng phố cổ Gia Hội
Đây còn là nơi tập trung rất nhiều phủ đệ của các ông hoàng ba chúa hay những nhà vườn trâm anh thế phiệt. Bên cạnh đó, thì tại khu vực chợ Dinh cũng tập trung rất nhiều nhiều ngôi chùa, miếu, dinh thự của cả người Hoa và người Việt vẫn được lưu giữ và bảo tồn cho đến tận bây giờ.
Phố cổ Gia Hội nơi tập trung nhiều phủ đệ
2. Tìm lại một chút Huế xưa giữa lòng phố cổ Gia Hội:
So với phố cổ Hội An thì phố cổ Gia Hội cũng không thua kém về vẻ đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo hay dấu ấn lịch sử. Đến với phố cổ Gia Hội bạn sẽ ngỡ như đang quay về thời Nguyễn xen lẫn một chút không khí của Trung Quốc cổ xưa.
Theo dòng lịch sử, Huế là mảnh đất vàng đón bao người Minh hương qua sinh sống, làm ăn. Dưới những đặc ân mà chúa Nguyễn ban cho thì người Minh đã tập trung thành một cộng đồng phía Đông kinh thành. Với tài kinh doanh của mình, người Minh hương làm ăn buôn bán phát đạt, giàu có. Từ đó, họ đã kiến thiết nên một bộ mặt tươi sáng, nhộn nhịp, sầm uất của một phố thị Gia Hội trên chợ dưới thuyền. Họ đến từ nhiêu bang, hội khác nhau, để quản lý những công việc chung và riêng, cũng như giữ gìn các phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa. Họ đã thành lập nên các Hội quán, các ngôi chùa mang nhiều nét đặc trưng. Đó là Chiêu Ứng Từ, đó là chùa Bà Thiên Hậu; hay các hội quán Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến,…
Đền Chiêu Ứng Ngôi đền được dựng vào năm 1887, thờ 108 người Hải Nam sang định cư làm ăn ở Thuận Hóa bị thiệt mạng trong đại án hải tặc thời vua Tự Đức.
Chùa Triều Châu, một ngôi chùa có quy mô rất bề thế, đây là nơi thờ những vong linh phiêu bạt đến từ Triều Châu. Đây cũng từng là ngôi chùa cổ lớn nhất và giàu có nhất so với các chùa của người Hoa khác ở khu Gia Hội xưa
Chùa Phúc Kiến nằm bên cạnh chùa Triều Châu, được xây dựng vào năm 1854, thờ “Tam vị, ngũ vị”.
Khi du lịch đến phố cổ Gia Hội, điều mà nhiều du khách cảm thấy ấn tượng nhất đó là dạo bước trên từng con phố nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng của những nét xưa hiện hữu. Nhiều người con của Gia Hội Phố cho biết dù có đi bất cứ đâu cũng không thể nào tìm thấy được cảm giác yên bình, không xô bồ mà nơi này mang lại.
Đã từng nhộn nhịp, đã từng sầm uất và xinh đẹp là thế, nhưng giống như một quy luật, những gì đã thịnh vượng rồi sẽ đến lúc xế tàn. Trải qua nhiều biến động của dòng chảy lịch sử, Gia Hội dần mất đi vị thế vốn có của nó, rồi dần dà như chìm vào quên lãng, giống như người già đang cố gắng chiến thắng thời gian.
Không còn những khung cảnh chợ thuyền tấp nập, không còn những dãy nhà cổ san sát, Gia Hội ngày nay không thoát khỏi sự chuyển biến và cuốn theo nhịp sống hiện đại. Con người ở đây cũng hướng đến cuộc sống tiện nghi, đầy đủ hơn. Để rồi những giá trị xưa cũ dần dần biến mất, không trụ nổi với thời gian.
Những ngôi nhà cổ dần được thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại
Những ngôi nhà cổ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, và tương lai của những ngôi nhà này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Vẫn sẽ tiếp tục được gìn giữ, hay là cũng giống như bao ngôi nhà khác, thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Những phủ đệ xưa nay đâu còn nữa, khi mà những ngôi nhà, những con hẻm liên tục ra đời trên chính nền đất phủ đệ đó.
3. Những món ngon nên thử khi đến phố cổ Gia Hội:
Rảo bước trên những con phố cổ kính của Gia Hội, bạn có thể khám phá vô vàng các món ăn đặc trưng xứ Huế tại các hàng quán nổi bật. Trong đó có một vài món ăn ngon mà bạn không thể bỏ qua như: quán bún bò Huế O Liễu, quán bánh khoái, nem lụi Bến Đò Cồn, quán bèo, nậm, lọc Tranh, ăn cháo trai và bún mắm nêm ở chợ Dinh.
Bún giấm nuốc – món ăn nên thử khi đến phố cổ Gia Hội
Ngoài ra, nơi đây còn có hàng loạt các quán cafe mang đậm chất Huế. Ngồi nhâm nhi một ly cafe nóng, ngắm nhìn dòng người qua lại sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ mà bạn không nên bỏ qua khi đến với phố cổ Gia Hội.
Gia Hội vẫn còn đó những giá trị lịch sử, văn hóa tuy đã bị cuốn theo nhịp sống hiện đại thì khi ghé thăm Gia Hội chúng ta vẫn cảm nhận được rất rõ sự bình yên nơi đây. Là một người con xứ Huế, điều mà mỗi chúng ta mong muốn đó chính là bảo tồn và phát huy những giá trị mà ông cha ta để lại, Sau đó là đem những giá trị ấy giới thiệu đến với các bạn bè trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, mỗi người trong chúng ta sẽ cố gắng gìn giữ và bảo tồn thật tốt các giá trị lịch sử này.
(Nguồn Ảnh: Journey in Huế)