Cùng với các không gian bên trong, không gian ngoài trời ở các bảo tàng, nhà trưng bày hay công viên… luôn được tận dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội. Huế có rất nhiều không gian như thế. Chính những không gian đó đã tạo nên sự hấp dẫn đông đảo cộng đồng hưởng ứng tham gia.
- Đa dạng không gian mở
Một ngày đầu năm, giữa dòng người đông đúc dạo bộ ở đường đi bộ gỗ lim dọc theo bờ sông Hương, đoạn phía sau các nhà trưng bày có rất nhiều bạn trẻ tụ lại đàn hát, tạo nên không khí dễ thương. Tiếng hát, tiếng đàn ấy đã vô tình cuốn hút mọi người xung quanh, tạo nên một sân khấu nghệ thuật ngoài trời kết nối được nhiều người lại với nhau, bất kể bạn trẻ, người lớn tuổi hay các em nhỏ. “Đây không chỉ là con đường đi bộ, nó còn là không gian biểu diễn, trình diễn nghệ thuật tuyệt đẹp nếu biết tận dụng và khai thác”, bạn trẻ Nguyễn Hoài Thu (TP. Huế) cảm nhận.
Không riêng gì Thu, nhiều bạn trẻ khác cũng nhìn thấy những sân khấu ngoài trời, dọc đôi bờ sông Hương không chỉ lãng mạn mà còn gần gũi với thiên nhiên và có thể kết nối được nhiều người. Ở không gian này, lễ hội áo dài cũng đã từng được trình diễn bởi hàng trăm người mẫu, nghệ sĩ và người dân, thu hút đông đảo du khách chiêm ngưỡng.
Không gian lễ hội bên ngoài các điểm công cộng luôn thu hút đông đảo mọi người.
Nguyễn Long (TP. Huế), một bạn trẻ thường tham dự các chương trình ngoài trời chia sẻ: “Góc nhìn nào sông Hương cũng đẹp và nhiều nơi có thể là sân khấu, là nơi trình diễn các chương trình văn hóa, văn nghệ”. Long cho rằng, chỉ cần trang trí hài hòa, hợp lý, nếu tổ chức ban đêm, có thêm ánh sáng vừa đủ thì tuyệt vời.
Không chỉ dọc theo bờ sông, các công viên mà ngay các khu vực “lõi” của đô thị, những không gian ngoài trời luôn được tận dụng và sáng tạo để trở thành sân khấu cho các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc. Góc ngã tư Chu Văn An – Võ Thị Sáu ở khu phố Tây là một trong những điểm nhấn đó.
Chỉ một ngã tư với diện tích vừa đủ nhưng không gian ngoài trời này luôn thu hút hàng trăm, có khi hàng ngàn người xem các nghệ sĩ biểu diễn vào những đêm cuối tuần hay những chương trình lễ hội lớn. Sân khấu này thu hút mọi ánh nhìn của khán giả ở mọi hướng, từ phía dưới mặt đất cho đến các tòa nhà cao tầng của hàng quán quanh đó, vô cùng sôi động.
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc chỉnh trang đô thị dọc theo bờ sông Hương đã rất thành công khi chính quyền luôn dành các khu đất rộng, vị trí đẹp, thuận lợi để phân khu chức năng phục vụ cộng đồng, văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch của thành phố. Không chỉ vậy, những không gian ấy giờ đây còn là một sân khấu ngoài trời vô cùng độc đáo, ấn tượng không chỉ phục vụ người dân trong ngày thường mà còn là sân khấu lớn khi có những sự kiện, lễ hội lớn.
TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế) – người từng nghiên cứu nhiều về các không gian văn hóa, lễ hội – cho rằng, nói đến không gian mở chính là nói đến một khu vực được xác định là mở và miễn phí cho bất cứ ai muốn vào hoặc băng qua nó.
Thông thường, khu vực này sẽ không có công trình xây dựng nào trên đó và sẽ được phủ bởi thảm thực vật. Trong trường hợp công viên công cộng, thảm thực vật có thể được trồng và có thể có một số công trình hạn chế như quán cà phê, sân khấu và các tiện nghi công cộng. Các công viên công cộng có thể có một số biện pháp kiểm soát đối với việc ra vào, ví dụ như liên quan đến động vật hoặc du khách sau khi trời tối.
- Quan trọng với cộng đồng
TS. Tâm Hạnh cũng cho biết, theo chỉ số đo lường của “Khung chỉ số văn hóa của UNESCO” thì tỷ lệ diện tích và số lượng không gian mở dành cho văn hóa càng cao càng chứng tỏ được độ sẵn có cũng như khả năng tiếp cận các hoạt động văn hóa dành cho cộng đồng thuộc nhiều thành phần khác nhau.
Ngoài ra, dựa vào tỷ lệ phân bổ của các sự kiện văn hóa trong các không gian mở, chúng ta có thể nhận diện được đời sống văn hóa của những nhóm cộng đồng nào đang nổi trội hay còn hạn chế. “Không phải ai cũng có khả năng chi trả cho các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí tốn phí. Do đó, các không gian mở dành cho văn hóa có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, trải nghiệm văn hóa của đông đảo người dân”, TS. Tâm Hạnh nhấn mạnh.
Một chương trình biểu diễn áo dài ở khu vực cầu bán nguyệt dọc theo bờ sông Hương.
Nói thêm về không gian mở ở TP. Huế, TS. Tâm Hạnh cho rằng khá đa dạng, gồm hệ thống công viên, mặt nước sông hồ, bãi biển, phố đi bộ, chợ và sân vườn trong khuôn viên các bảo tàng hay các trung tâm văn hóa. Trong đó, không gian mở dành cho văn hóa chiếm một tỷ lệ cao cả về số lượng lẫn diện tích sử dụng, được tập trung ở hai bên bờ sông Hương và khu vực Thành nội Huế.
Không chỉ hai bên bờ sông Hương mà mặt nước sông Hương ở khu vực trung tâm TP. Huế cũng là một không gian mở dành cho văn hóa đặc sắc với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Những không gian mở dành cho văn hóa hiện nay ở Huế có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho người dân tổ chức và tham gia vào các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng. Không chỉ trong các ngày kỷ niệm của đất nước, Tết Nguyên đán, Festival Huế mà còn định kỳ hàng tháng, hàng tuần hay thậm chí thường nhật.
Đời sống tinh thần, chỉ số hạnh phúc của người dân vì thế được nâng lên nhờ sự rộng mở và sự đa dạng của các hoạt động văn hóa. Với định hướng xây dựng Huế trở thành thành phố xanh, thành phố Festival thì việc mở rộng thêm các không gian mở và không gian mở dành cho văn hóa là yêu cầu tất yếu.
“Tuy nhiên, các sự kiện trong không gian mở cần đa dạng và cân đối giữa truyền thống và đương đại; giữa văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí để mọi người dân cùng thụ hưởng, cùng tham gia. Từ đó thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm xã hội và cộng đồng khác nhau. Ngoài ra, cách thức tổ chức các sự kiện cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo sức hút, tránh sự nhàm chán, đơn điệu”, TS. Tâm Hạnh lưu ý.
(Theo Khám Phá Huế)