Là một trong những làng nghề cổ lâu đời của vùng đất Cố đô – làng nghề hoa giấy Thanh Tiên từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút khách du lịch đến đây tìm hiểu và khám phá làng nghề cổ này. Trải qua hơn mấy trăm năm, các sản phẩm của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn luôn hiện hữu trong từng góc nhà của người dân nơi đây. Hãy cùng Tam Giang Lagoon tìm hiểu về nét độc đáo của ngôi làng này nhé!
1. Đôi nét về làng hoa giấy Thanh Tiên
Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km, làng nằm dọc theo bờ Nam hạ lưu sông Hương gần ngã ba Sình. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa sen trắng.
Ngôi làng hoa giấy lâu đời của Huế
Theo tư liệu lịch sử ghi lại rằng: làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời gần 400 năm dưới thời của các chúa Nguyễn. Sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa Tam Cương – Ngũ Thường: “Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung – Hiếu – Nghĩa. Trong đó, luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”.
Khi nghe vị quan này trình bày ý nghĩa, vua liền ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. Hoa giấy gắn với tín ngưỡng thờ cúng của người Huế, trước là dâng cúng thần linh, tổ tiên ông bà, sau là trang hoàng nhà cửa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế mỗi dịp xuân về.
2. Nguồn gốc của làng hoa giấy Thanh Tiên
Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Huế. Nhưng xứ Huế khí hậu vốn khắc nghiệt, lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa dầm thối đất thối cát, hoa tươi thờ cúng thường không giữ được lâu. Người dân làng Thanh Tiên đã sáng tạo ra hoa giấy, trước thờ cúng gia tiên, thần linh, sau trang trí nhà cửa đón Tết. Dần dần qua năm tháng đã phát triển thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng vùng đất cố đô, không còn là sản phẩm “của riêng” làng nhỏ ven sông nữa mà đã lan tỏa thành thứ văn hóa tinh thần của toàn bộ kinh thành, nhân dân Huế, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Làng hoa giấy Thanh Tiên – nét đẹp tâm linh của xứ Huế
Ngày nay, hoa giấy không chỉ đơn thuần phục vụ cúng bái, người làng Thanh Tiên đã làm hoa giấy cả năm, từ nhu cầu trang trí nhà cửa, cắm bình hoa giấy đẹp như hoa tươi mà bền hơn hẳn, các khách sạn đặt hàng tô điểm cho phòng ngủ, phòng ăn, đại sảnh… các lễ hội Festival, xuất khẩu… thậm chí còn là vật cầm tay của các thiếu nữ tô điểm cho áo dài – vốn cũng là một biểu tượng văn hóa khác của Huế.
3. Cách di chuyển đến làng hoa giấy Thanh Tiên
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên không cách quá xa trung tâm thành phố nên cung đường di chuyển khá thuận lợi và dễ dàng. Bạn có thể di chuyển theo cung đường dưới đây:
Từ trung tâm thành phố, bạn qua chợ Đông Ba rẽ trái xuôi theo đường Huỳnh Thúc Kháng 5km là đến địa phận phố cổ Bao Vinh. Tại đây, bạn bắt thêm một chuyến đò chở cả người cả xe sang bờ bên kia đã là đất làng Tiên Nộn. Người dân ở đây vẫn gọi chuyến đò nối Bao Vinh – Tiên Nộn là chuyến đò ngang, bởi đò chỉ chạy “ngang” đưa người từ phố cổ sang làng Sình, làng Tiên Nộn, làng Thanh Tiên. Từ Tiên Nộn đi thêm 1km nữa là đến làng hoa giấy Thanh Tiên.
4. Công đoạn làm hoa giấy
Khi nói về công đoạn làm hoa giấy, tất cả đều được người dân Thanh Tiên làm thủ công hoàn toàn bằng tay. Phải tốn rất nhiều thời gian kết hợp với sự khéo léo của đôi tay, sự tỉ mỉ của nghệ nhân mới tạo thành một bông hoa đẹp.
Những người nghệ nhân phải mất rất nhiều thời gian mới làm ra một bông hoa giấy
Chưa kể các công đoạn còn phải được chuẩn bị từ trước, thậm chí từ mấy tháng trước. Tre dùng để làm phải lựa những cây tốt nhất (phải là loại tre lồ ô mới dẻo dai), đem chẻ nhỏ ra vót tròn, rồi đem phơi khô làm cành, cuống bông hoa. Tiếp đến là khâu chọn giấy và nhuộm màu, khâu này rất quan trọng sao cho giấy phải bền, màu cánh hoa phải luôn tươi mới như hoa thật.
Tre dùng làm hoa giấy phải là loại tre tốt nhất
Người làng Thanh Tiên đặc biệt không sử dụng phẩm màu hay hóa chất độc hại để nhuộm hoa giấy, tất cả đều từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền chế xuất ra làm thuốc nhuộm. Công đoạn cuối là cắt cánh, làm nhụy hoa, tạo nếp nhăn cho hoa sống động như hoa thật rồi dùng hồ dán kết bông vào cành. Rất nhiều công đoạn đòi hỏi đức tính tỉ mỉ và sự chăm chỉ, cái tâm của người làm nên một ngày một nghệ nhân chỉ tối đa làm được 15-20 bông hoa giấy.
Không sử dụng các loại phẩm màu hay hóa chất độc hại để nhuộm hoa giấy
Thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5.000 – 7.000 đồng/cặp hoa cúng (hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan…). Còn với hoa sen, vừa để cúng vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn chút 20.000 đồng/bông.
Hiện nay, tại làng hoa giấy Thanh Tiên thì cơ sở sản xuất Phan Thị Thanh là một trong những cơ sở lâu đời và truyền thống nhất ở làng Thanh Tiên, không chỉ bán buôn, bán lẻ, đến đây bạn còn được xem và trực tiếp trải nghiệm làm hoa giấy dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.
Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ nổi tiếng ở Huế, mà còn là sản phẩm rất được ưa chuộng bởi các tỉnh lân cận. Thậm chí, các du khách nước ngoài không chỉ đến đây để tham quan, trải nghiệm, mà còn mua sắm để làm lưu niệm khi trở về nước. Vì thế mà việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống là việc mà ai trong mỗi chúng ta đều phải thực hiện.