Cố đô Huế được biết đến là cái nôi của nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam trong những năm tháng lịch sử. Nổi bật trong hàng ngàn công trình tôn giáo đó chính là Chùa Diệu Đế – một trong ba ngôi quốc tự còn sót lại duy nhất trên mảnh đất Cố đô Huế hiện nay. Dẫu có lúc huy hoàng hay suy vong theo thời thế, nhưng đến nay chùa Diệu Đế vẫn đứng vững với thời gian, và là cái nôi nuôi dưỡng dòng chảy văn hóa tâm linh của những người con Phật tử xứ Huế.
1. Lịch sử hình thành:
Chùa Diệu Đề nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi. Vào năm 1844, Chùa do vua Thiệu Trị cho xây dựng với quy mô đồ sộ trên nền phủ đệ cũ của nhà vua. Tuy nhiên trải qua nhiều năm chiến tranh làm biến động lịch sử, nên ngôi chùa không còn nguyên vẹn như trước.
Chùa Diệu Đế vào những năm 1844
Năm 1855, dưới thời của vua Hàm Nghi, cung điện bị chiếm đóng, chính phủ Nam triều phải trú ngụ và làm việc ở đây. Lúc này ngôi chùa được tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau: Trí Tuệ Tịnh Xá làm phủ đường Thừa Thiên, Tường Từ Thất trở thành ngân khố và sở đúc tiền… Đến năm 1887 các công trình kiến trúc của chùa hầu hết bị triệt hạ và sang đến tận thế kỷ XX mới được phục hồi.
Ngày nay, sau khi được phục hồi, chùa Diệu Đế vẫn giữ được nét cổ kính, những công trình kiến trúc độc đáo vẫn còn được giữ lại.
2. Nét đặc trưng tiêu biểu của ngôi quốc tự:
Chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở Thiền kinh. Hàng năm, Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa trong mùa Phật đản. Điểm đặc biệt ở đây là ngôi chùa này mang nhiều đặc trưng yếu tố cung đình, gắn liền với vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn.
Bức tranh “Long vân khế hội” ở điện Đại Hùng
Kể từ khi ra đời cho đến năm 1945, chùa Diệu Đế được triều Nguyễn xếp vào hàng Quốc tự (cùng với các chùa Giác Hoàng, Thiên Mụ và Thánh Duyên). Cho đến nay, dù trải qua nhiều biến động lịch sử, chùa vẫn giữ được nhiều pháp bảo quan trọng. Đặc biệt, tại trần của điện Đại Giác vẫn còn bảo tồn được bức tranh “Long vân khế hội”, tương truyền do nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thực hiện.
3. Khám phá lối kiến trúc bên trong ngôi cổ tự:
Khuôn viên chùa hiện nay rộng khoảng 2.500m2. Chung quanh có la thành bao bọc, cửa chùa hướng về sông Đông Ba và Kinh Thành Huế. Khi mới xây dựng, bên trong la thành có khoảng 10 công trình kiến trúc.
Khuôn viên chùa nằm gọn giữa bốn con đường: phía trước là đường Bạch Ðằng chạy dọc theo một nhánh sông Hương, phía sau là đường Tô Hiến Thành gần chùa Diệu Hỷ, bên trái là con đường mang tên chùa Diệu Đế và bên phải là đường Chùa Ông. Kiến trúc ban đầu của chùa rất qui mô. Tuy không đẹp bằng chùa Thiên Mụ, nhưng chùa Diệu Ðế có vẻ độc đáo riêng, có bốn lầu (hai lầu chuông, một lầu trống và một lầu bia). Nét kiến trúc độc đáo này đã đi vào ca dao Huế: “Đông Ba Gia Hội hai cầu – Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông”.
Chính điện là đại giác, tả hữu chính điện là Thiền Đường, phía trước điện dựng gác Ðạo Nguyên hai tầng ba gian, sau gác Ðạo Nguyên có hai lầu chuông trống xây cân đối ở hai bên, chính giữa là lầu Hộ Pháp, sân trong có La Thành, sân trước có hai nhà lục giác, nhà bên tả đặt hồng chung, nhà bên hữu dựng bia lớn khắc bài văn do vua Thiệu Trị soạn. Hệ thống La Thành ngoài chùa Diệu Ðế xây dựng kiên cố, bề thế, trước có Phượng Môn ba cửa, hai bên có cổng nhỏ, ngoài bờ sông có xây bến thuyền khoảng mười bậc lên xuống.
Trước đây, chùa Diệu Ðế có nhiều tượng Phật do được chuyển từ chùa Giác Hoàng, sau sự kiện Kinh đô thất thủ (1885). Cuối năm này, chính phủ Nam Triều đặt sở Đúc Tiền ở Cát Tường Từ Thất, phủ đường Thừa Thiên ở Trí Tuệ Tịnh Xá và một tăng phòng làm nhà lao của tỉnh, một tăng phòng làm trụ sở cho Khâm Thiên Giám. Năm 1887 phần lớn các ngôi nhà trong chùa đều bị triệt hạ…về sau, ngoài cổng La Thành xây thêm bốn trụ biểu.
Hiện nay, chùa chỉ còn chính điện, hai bên chính điện đặt Bát Bộ Kim Cang, phía sau có một nhà khách, một bếp. Sân ngoài có nhà bia, nhà chuông, ngoài cùng là cổng Tam Quan hai tầng, phía trên có lầu Hộ Pháp.
Dẫu trải qua nhiều thăng trầm lịch sự tuy không còn xa hoa tráng lệ thế nhưng Chùa Diệu Đế vẫn mang những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc mà chúng ta cần bảo tồn và gìn giữ. Hy vọng rằng, với những bài viết mà Tam Giang Lagoon chia sẻ đến bạn, bạn sẽ hiểu thêm đươc nhiều đơn hơn về mảnh đất Kinh kì này.