Nằm khá gần trung tâm thành phố Huế, chùa Từ Đàm được biết đến là một ngôi chùa độc đáo, cổ kính và có nhiều đóng góp to lớn cho nền phật giáo Việt Nam. Chùa mang một dáng vẻ trầm tĩnh, bình yên và rất thanh tịnh. Đây là một trong những ngôi chùa được nhiều du khách ghé thăm khi đến Huế.
1. Chùa Từ Đàm ở đâu ?
Chùa Từ Đàm có địa chỉ tại phường Trường An, thành phố Huế. Cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía Đông Nam. Ngôi cổ tự này tọa lạc trên một mảnh đất bằng phẳng, xung quanh là ngọn núi Kim Phụng cùng rất nhiều ngôi chùa và nhà thờ nổi tiếng khác. Địa chỉ cụ thể là ở số 1 Sư Liễu Quán, Trường An, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế. Chùa mở cửa từ 6:00 – 21:00, bạn có thể đến ghé thăm vào khoảng thời gian này.
Chùa Từ Đàm Huế là một ngôi chùa in đậm các biến cố lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Nơi đây được nhiều Phật tử, Nhà sư đến hành hương, tìm hiểu Phật học, và là chốn linh thiêng mà du khách trong và ngoài nước đến lễ Phật, cầu an.
2. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Từ Đàm
Từ trung tâm thành phố, bạn di chuyển theo đường Hà Nội, rẽ phải sang Lê Lợi và đi thẳng lên đường Điện Biên Phủ. Sau đó rẽ trái vào đường Sư Liễu Quán, đi tiếp khoảng 500m nữa là đến chùa.
Thêm một gợi ý cung đường khác đó là bạn đi dọc theo đường Ngô Quyền, đi tới đường Phan Bội Châu và rẽ phải đường Sư Liễu Quán là đến.
3. Lịch sử hình thành chùa Từ Đàm
Là ngôi cổ tự nổi tiếng ở xứ Huế, chùa Từ Đàm đã trải qua nhiều biến cố của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sau năm 1695, chùa Từ Đàm được sáng lập bởi thiền sư Minh Hoằng Tử Dung người Trung Quốc – người đầu tiên khai sơn đồi Hoàng Long và đặt tên cho chùa là Ấn Tôn Tự. Cho đến 1841, chùa mới được đổi tên thành Từ Đàm Tự.
Đến năm 1938, ngôi chùa được chư Sơn môn nhường lại cho An Nam Phật Học Hội và tái thiết kế lại kiến trúc của cả ngôi chùa. Vào cuối thế kỷ XX, giáo hội phật giáo Thừa Thiên đã kiến thiết thêm cổng chùa, nhà thiền, tăng xá, nhà khách, nhà bếp, giảng đường và văn phòng Tỉnh Giáo Hội.
Năm 1951, đại hội đầu tiên với 51 đại biểu Phật Giáo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam được tổ chức ở chùa Tư Đàm, đánh dấu bước đi đầu tiên cho sự thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt nam.
Trong những năm 1960, Chùa Từ Đàm là nơi khởi hành cho các cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Ngày nay, chùa Từ Đàm Huế được biết đến là một trong những địa điểm nổi tiếng được rất nhiều chư tăng ni, Phật tử các giới tại Việt Nam đến học tập và sinh hoạt.
4. Khám phá kiến trúc của chùa Từ Đàm
Mặc dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng chùa Từ Đàm vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ xưa. Kiến trúc của chùa Từ Đàm Huế theo lối cổ kính, đơn giản, nằm trong khuôn viên có diện tích rộng, thoáng đãng có nhiều cây xanh bao quanh. Về kiến trúc chùa gồm có ba phần quan trọng là cổng tam quan, chùa chính và nhà Hội, ngoài ra khuôn viên chùa và tháp Ấn Tôn có thiết kế tương đối thu hút.
3.1 Cổng Tam Quan
Khi bước tới cổng chùa, hiện ngay ra trước mắt bạn đó chính là cổng tam quan cổ kính mang đầy dấu ấn lịch sử. Cổng Tam Quan có 3 lối vào, với 1 cổng chính và hai cổng phụ được thiết kế với cổng lớn khắc tên của chùa. Cổng chùa Từ Đàm được lợp mái ngói, trụ được làm bằng đá vô cùng vững chắc.
Theo văn hóa người Việt xưa, cổng Tam Quan mang một ý nghĩa “tam giải thoát môn” nghĩa là đi qua cổng sẽ rũ bỏ được tham, sân, si trong cuộc sống để bước vào cửa chùa cảm thấy yên bình, nhẹ nhõm hơn.
3.2 Khuôn viên chùa Từ Đàm
Sau khi bước qua Cổng Tam Quan, du khách sẽ thấy ngay khuôn viên chùa rộng lớn đầy trang nghiêm. Sân chùa được lát đá bằng phẳng, sạch sẽ, bên phải cổng là một cây bồ đề cổ thụ lớn có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Cây bồ đề chùa Từ Đàm do bà Karpeles hội trưởng hội Phật học Pháp tặng và được trồng vào năm 1936, nguồn gốc của cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo.
Đi sâu vào trong khuôn viên, chùa có những công trình bao gồm: Khu tiền đường, khu chính điện, khu nhà Tổ, tháp Ấn Tôn và phòng lưu niệm.
- Khu tiền đường
Khu tiền đường của chùa Từ Đàm Huế được xây dựng trên nền đất cao hơn khoảng 1,5m so với các khu vực khác. Mái chùa có kiến trúc cao, cổ kính với hình ảnh là những cặp rồng uốn lượn đối xứng nhau đầy nghệ thuật. Ở phía dưới mái này là những bức tượng Đức Phật đặt trên các bệ đá cao. Các cột trụ của tiền đường là những câu đối dài được chạm khắc tinh xảo. Hai bên tiền đường là hai lầu chuông trống được thiết kế hài hòa với tổng thể. Đi vào phía bên trong khu tiền đường, bạn sẽ thấy ngay tượng Đức Phật Thích Ca đang ngự trên đài sen, tay bắt ấn.
- Khu chính điện, nhà Tổ chùa Từ Đàm
Khu chính điện được bài trí một cách đơn giản nhưng lại toát lên vẻ tôn nghiêm. Ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni màu đen ngồi trên tòa sen, tay bắt ấn Tam Muội. Hai bên là vị Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Ngoài ra, bên phải chính điện chùa Từ Đàm là nhà khách và phòng của Tăng Ni, đằng sau là khu vực nhà Tổ. Ở trước nhà khách, có một khu vườn nhỏ và ở giữa có tượng bán thân của cư sĩ Tâm Minh – người góp công lao và phong trào phục hưng – phát triển Phật Giáo Việt Nam.
- Tháp Ấn Tôn
Tháp Ấn Tôn nằm ở bên góc trái cổng Tam Quan, gần khu vực đường Điện Biên Phủ, đối diện Giảng đường. Đây là một kiến trúc độc đáo của chùa Từ Đàm, gồm có 7 tầng, cao 27m, có lối kiến trúc nhỏ dần khi tới đỉnh tháp. Tại mỗi tầng của tháp đều thờ một tượng Phật bằng đồng.
- Phòng lưu niệm
Về sau, trong khuôn viên chùa được xây thêm một phòng lưu niệm. Nơi đây được thiết kế như một bảo tàng lưu trữ lại những kỷ vật, hình ảnh và những chứng minh lịch sử của chùa được giữ lại cho tới ngày nay.
5. Những điều cần lưu ý khi đến tham quan chùa Từ Đàm
- Ăn mặc lịch sự, giản dị, tuyệt đối không diện những đồ hở hang, phản cảm khi đến chùa
- Khi gặp các vị sư hay tăng ni trong chùa, việc cần làm của bạn là là cúi đầu, chắp tay, đồng thời niệm câu “Nam mô A di đà phật” với thái độ kính cẩn.
- Ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, không nói tục, chửi bậy, gây mất trật tự trong khuôn viên chùa.
- Khi ra hay vào chùa, bạn chỉ được đi ở cửa 2 bên, tuyệt đối không đi cửa giữa.
- Giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên của chùa, không vứt rác bừa bãi.
Từ bao đời nay, Chùa Từ Đàm đã gắn bó với đời sống tinh thần của người dân xứ Huế và với Phật tử cả nước. Với vẻ đẹp cổ kính, trầm lặng nhưng lại có sức hút vô cùng đặc biệt khiến nhiều du khách ấn tượng. Nếu bạn là một tín đồ Phật giáo, đừng quên ghé thăm chùa Từ Đàm khi đến Huế nhé.