Tháng Chạp – tháng của ông Táo về trời để báo cáo những chuyện xảy ra ở trần gian trong một năm qua. Với người dân cố đô, làng Địa Linh đã trở nên quá đỗi quen thuộc với nghề “làm ông Táo” phục vụ cho ngày 23 tháng Chạp. Cứ đến khoảng thời gian này, ngôi làng này lại tất bât vào mùa nặn tượng Táo quân, cho ra lò những sản phẩm mới để kịp cung ứng cho dịp Tết. Ở bài viết này, cùng theo chân Tam Giang Lagoon khám phá ngôi làng nghề duy nhất nặn tượng ông Táo trên xứ Huế nhé!
1. Đôi nét về làng nghề nặn tượng ông Táo duy nhất xứ Huế
Ở Cố đô Huế có một ngôi làng nổi danh với nghề nặn tượng ông Công ông Táo, đó là làng Địa Linh ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo người dân làng Địa Linh kể lại, vào thời Nguyễn nhà vua cho đặt tại làng một xưởng làm gạch với tên gọi “Nê ngõa tượng cục”, sau thấy chất lượng đất tốt nên vua ban cho làng tên gọi “Địa Linh”. Về sau, do thấy nguồn đất sét có chất lượng tốt và dồi dào nên người dân đã tận dụng để nặn tượng thờ ông Táo.
Cứ nhắc đến vùng đất Địa Linh là nhắc đến nghề nung đất, bao gồm cả nghề sản xuất gạch và làm tượng cúng ông Táo. Trước đây ngoài làng Địa Linh, cũng có làng Sình chuyên nặn tượng ông Táo bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên về sau làng Sình đã chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi cuối cùng ở Huế giữ được nghề truyền thống độc đáo này.
2. Nguồn gốc tượng ông Táo dịp Tết
Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, Táo Quân là vị thần có nhiệm vụ trông coi, cai quản việc bếp núc. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, người dân sẽ làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời để bẩm báo những việc xảy ra trong năm qua. Tượng ông Công ông Táo cũ sẽ được đưa ra các miếu, gốc cây cổ thụ còn tượng mới sẽ được rước về thờ cho năm tiếp theo.
Trải qua hàng trăm năm phong tục này vẫn được nhiều người Việt gìn giữ. Vì thế, nghề nặn tượng ông Táo truyền thống ở làng Địa Linh đến nay vẫn còn duy trì và tồn tại.
3. Tìm hiểu công đoạn cầu kì nghề nặn tượng ông Táo
Giữa tháng Chạp là thời điểm các gia đình làm nghề bận rộn nhất, không khí làng nghề cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Những người thợ tất bật vận chuyển đất, đúc tượng Táo quân, đưa đi phơi, đốt lò nung tượng. Đến đầu làng đã nghe tiếng gõ lọc cọc phát ra từ những chiếc khuôn đúc, mùi trấu cháy khét, mùi đất mới nung thoảng trong gió.
Theo người dân làng nghề, nghề làm tượng Táo quân khá tốn công. Để chuẩn bị cho mùa làm tượng dịp Tết, từ tháng 3-4 Âm lịch, người làm tượng đã đi các vùng chọn mua đất sét vàng, ít lẫn tạp chất về dự trữ. Đến tháng 10 Âm lịch, cả làng bắt tay vào vụ chính. Khoảng 20 tháng Chạp, các gia đình làm nghề sẽ cho ra lò mẻ tượng cuối cùng, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Để làm một tượng Táo quân hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua một quá trình chọn đất, nhồi nặn công phu mới ra được sản phẩm đúng chuẩn. Khuôn đúc làm từ gỗ lim, được đục chạm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau. Khi làm, người thợ cho đất sét vàng đã nhào mịn nhuyễn vào khuôn và ép thật chặt, rồi dùng lưỡi dao gạt bỏ phần đất thừa. Tượng Táo sau khi lấy ra khỏi khuôn sẽ mang đi phơi khô rồi mới cho vào lò nung.
Có 2 loại tượng ông Táo bà Táo là tượng sơn mài và sơn vẽ. Trong đó tượng vẽ đòi hỏi người vẽ phải tỉ mỉ trong thao tác sơn màu, rắc kim tuyến cho tượng.
Công đoạn này thường phải đến gần ngày 23 tháng Chạp mới được thực hiện để tượng giữ được sự bắt mắt và tươi mới. Sau khi tô màu xong thì cần phơi khô tượng một lần nữa mới hoàn thiện sản phẩm.
Tượng ông Táo không chỉ là một sản phẩm truyền thống mà còn thể hiện ước vọng đổi mới, may mắn. Đầu năm người Việt trân trọng đặt tượng ông Táo này để làm rực rỡ không gian thờ tự, bếp núc. Đây là một phong tục tốt đẹp và nên được lưu giữ và lưu truyền rộng rãi.