Cầu ngói Thanh Toàn – Kiến trúc cổ kính giữa làng quê thanh bình

Bên cạnh những công trình nổi tiếng như Đại Nội, các công trình kiến trúc lăng tẩm,…Cầu ngói Thanh Toàn là một trong những kiến trúc cổ được công nhận là di tích quốc gia tại Huế. Mang vẻ đẹp cổ kính, cùng cảnh quan thôn quê bình dị, trữ tình. Cầu ngói Thanh Toàn trở thành điểm đến thu hút rất nhiều du khách khi đến xứ Huế.

1. Lịch sử cầu ngói Thanh Toàn

Cách trung tâm thành phố Huế tầm 8km về phía Đông Nam, cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thành phố Huế. Cây cầu này là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất Việt Nam.

Cầu được xây dựng vào năm 1776, do bà Trần Thị Đạo –vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông cúng tiền cho làng để xây dựng, với mục đích cho dân làng qua lại được thuận tiện và là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân. Vào năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn được công nhận là di tích quốc gia.

2. Hướng dẫn đường đi đến cầu ngói Thanh Toàn

Nằm ở vùng ngoại ô, chỉ cách trung tâm thành phố tầm 8km nên việc đi chuyển đến cầu ngói Thanh Toàn khá dễ dàng, có rất nhiều tuyến đường đến địa điểm này. Nhưng nếu xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn có thể chạy thẳng đường Tố Hữu, rẽ trái ở đoạn giao với đường Hoàng Quốc Việt. Sau đó, bạn chỉ cần đi thẳng về phía chợ cầu Ngói là đến nơi.

3. Cầu ngói Thanh Toàn có gì hấp dẫn

3.1 Nét kiến trúc độc đáo

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều”, được chia thành nhiều gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ. Đây là công trình được đánh giá cao về tính nghệ thuật.

Cây cầu có chiều dài 17m, chiều rộng 5m, có không gian khá rộng rãi và thoáng mát. Quan sát từ xa, bạn có thể thấy cây cầu mang hình dáng của một ngôi nhà cổ kính, nằm biệt lập trên dòng sông.

Xét về phần kết cấu, cầu ngói được chia làm 7 gian được thiết kế với không gian mở, hai bên đều có lan can để bạn có thể hóng mát. Ngoài ra, cây cầu còn được thiết kế với 6 trụ đỡ vô cùng chắc chắn được làm bằng gỗ, mỗi hàng sẽ có 6 cột làm bằng đá để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Phần mái của cây cầu được lợp toàn bộ bằng ngói ống lưu ly và được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ.

3.2 Tham gia các lễ hội náo nhiệt

Tại mỗi kỳ Festival Huế, tại cầu ngói lại làm lễ rước linh vị bà Trần Thị Đạo, lễ rước này là nghi thức mở đầu cho ngày khai mạc “Chợ quê ngày hội”, một trong những chương trình văn hóa – du lịch đặc sắc trong khuôn khổ Festival Huế. Đến với Chợ quê, mọi người sẽ được hòa vào nhịp sống dân dã của những người dân bản địa xứ Huế, được mua những món quà quê và thưởng thức những món ăn bình dị và hòa mình vào những hoạt động sôi nổi như đua ghe, hát bài chòi…

Ngoài ra, vào ngày 16 âm lịch hàng tháng, tại cầu ngói Thanh sẽ tổ chức phiên chợ đêm. Với nhiều hoạt động hấp dẫn như chợ ẩm thực và hội bài chòi, các trò chơi dân gian,trưng bày dành cho khách tham quan nhằm tạo thêm sự đa dạng cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của địa phương.

3.3 Check-in khung cảnh thôn quê

Cầu ngói Thanh Toàn gắn liền với khung cảnh của làng Thanh Thủy Chánh. Bao quanh cây cầu là khung cảnh bình dị của đồng ruộng, dòng sông êm đềm, xa xa là những mái nhà,… Tất cả tạo nên một khung cảnh vùng quê yên bình và trữ tình. Vì vậy, có thể nói đây là địa điểm check-in mà bạn không thể bỏ qua.

Với tuổi đời hơn 200 năm, đến nay cầu ngói Thanh Toàn đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân làng Thanh Thủy. Không chỉ sở hữu những giá trị nghệ thuật cao, nó còn đem lại giá trị tinh thần vô cùng to lớn. Nếu có dịp ghé thăm xứ Huế mộng mơ, bạn đừng quên ghé thăm địa điểm cổ kính này nhé.